Khối u não phát triển chậm kéo theo các triệu chứng đột quỵ bộc phát trong vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn. Khi bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết, tùy lượng máu chảy và vị trí xuất huyết trong não, các triệu chứng cũng nặng nhẹ khác nhau như đau đầu dữ dội, tê yếu một bên người, mất khả năng ngôn ngữ, nhìn mờ... Bệnh nhân cũng bị thay đổi thị lực hoặc mất hoàn toàn thị lực. Trường hợp nặng có thể gây động kinh hoặc co giật.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Đột quỵ Mỹ, 72% bệnh nhân bị đột quỵ do khối u thần kinh đệm. Có hai loại u não là khối u não nguyên phát trong mô não (khối u tuyến yên, u thần kinh đệm và u màng não) và khối u não bộ di căn bắt nguồn từ một vùng của cơ thể (u ở phổi, u vú hoặc thận). Chảy máu do khối u não nguyên phát tương đối hiếm xảy ra.
Khối u phát triển trong màng bao quanh não và tủy sống hiếm khi gây chảy máu. Trong khi, di căn não do ung thư phổi hay ung thư vú có khả năng gây chảy máu, các di căn ung thư liên quan đến khối u ác tính thường xuất huyết. Các báo cáo nghiên cứu về ung thư di căn cho thấy, có 50% trường hợp xuất huyết nội sọ do di căn có liên quan đến u ác tính. Ngược lại, u thần kinh đệm (phát triển trong các tế bào dính quanh các tế bào thần kinh) dễ chảy máu hơn. Các khối u tuyến yên cũng dễ khiến xuất huyết.
Chảy máu do u não thường có thể được chẩn đoán bằng phương pháp chụp cắt lớp (chụp CT). Chụp CT giúp phát hiện vùng chảy máu (phim chụp thấy có màu sáng trắng, trái ngược với màu xám của mô não bình thường). Nếu máu trong não qua phim chụp bao quanh bởi một vùng tối hơn là cơn đột quỵ và khối u não đang gây sưng tấy.
Hình dạng và kích thước của vết sưng giúp các bác sĩ xác định vấn đề chảy máu là do khối u não hay một tình trạng khác (như chấn thương đầu). Nếu phát hiện bất thường có liên quan đến u não, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tiếp theo là chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp khoanh vùng mô não khỏe, vùng máu và vùng mô ung thư.
Điều trị xuất huyết não phụ thuộc vào các triệu chứng và lưu lượng máu lưu thông trong quá trình chữa trị. Thông thường, các bác sĩ sẽ phẫu thuật giúp loại bỏ máu và khối u cùng một lúc. Tuy nhiên, nếu lượng máu xuất huyết ít và các triệu chứng nhẹ có thể không cần phẫu thuật. Sau khi xác định được vị trí khối u, bác sĩ có thể xem xét điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị.
Cũng theo báo cáo trên tạp chí Đột quỵ Mỹ, 85% bệnh nhân cho biết gần như bình phục sau điều trị khối u sau một năm, triệu chứng tái phát trở lại vào năm thứ hai. Thời gian sống tăng thêm 5 năm hoặc hơn nếu cơn đột quỵ được phát hiện và chẩn đoán sớm. Nếu bản thân hoặc người thân bị xuất huyết não do khối u cần được theo dõi y tế chặt chẽ. Dù quá trình phục hồi có thể nhanh hoặc chậm, bác sĩ và người thân sẽ hỗ trợ tinh thần người bệnh.
Mai Trinh
(Theo Very Well Health)