Ung thư vú thường gặp nhất ở nữ giới, với độ tuổi ngày càng trẻ hóa, phần lớn phát hiện ở phụ nữ trước 50 tuổi. ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chia sẻ một số nguyên nhân gây đau vú phổ biến mà phụ nữ có thể tự kiểm tra. Từ đó, chị em kịp thời thăm khám, điều trị phù hợp.
Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi các hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân gây đau vú phổ biến nhất, thường gây đau ở cả hai vú trong vài ngày trước khi hành kinh. Các cách giúp giảm đau bao gồm: hạn chế caffeine (trà, cà phê); chế độ ăn ít chất béo; giảm lượng muối ăn; tránh hút thuốc; uống thuốc giảm đau không kê toa (Acetaminophen như panadol). Bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ nếu cần chuyển đổi thuốc tránh thai hoặc thuốc điều trị hormone thay thế.
Chấn thương ngực
Chị em có thể kiểm tra những dấu hiệu chấn thương gây đau vú như sưng nặng; có một khối to trong vú, đỏ và nóng tuyến vú một bên; một vết bầm tím trên vú không biến mất sau một vài ngày.
Mặc áo ngực không thích hợp
Các dây áo ngực và thành ngực bị căng quá mức và gây đau vào cuối ngày. Kết quả là ngực bị đau nhức khó chịu, nhất là khi tập thể dục. Chị em nên chọn áo ngực có kích cỡ phù hợp và hỗ trợ tốt theo hình thể.
Có vấn đề ở thành ngực
Thành ngực là vùng cơ, mô và xương bao quanh, bảo vệ tim và phổi. Nguyên nhân phổ biến của đau thành ngực bao gồm cơ bị kéo, viêm quanh xương sườn; chấn thương thành ngực; gãy xương. Nếu bạn cảm nhận cơn đau đến từ thành ngực thì cần kiểm tra sớm.
Cho con bú
Cho con bú đôi khi có thể là nguyên nhân gây đau vú như núm vú bị đau do bé ngậm bú không đúng cách; cảm giác ngứa ran khi cho bé bú (khi sữa bắt đầu chảy về bé); đau nhức núm vú do bị cắn, da khô, nứt nẻ hoặc nhiễm trùng. Trường hợp người mẹ bị đau khi cho con bú, tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn khắc phục cơn đau, đồng thời duy trì nguồn sữa cho con.
Biến chứng khi đặt túi ngực
Một số chị em gặp biến chứng khi đặt túi ngực (silicone hay nước muối). Nguyên nhân phổ biến gây đau sau phẫu thuật nâng ngực là co thắt bao xơ, khi mô sẹo hình thành quá chặt xung quanh túi ngực. Cơn đau ở vùng này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy túi ngực bị vỡ. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ cơn đau nào mà bạn gặp phải để xác định xem nó có liên quan đến túi ngực hay không.
Nhiễm trùng vú
Phụ nữ cho con bú có nhiều khả năng bị nhiễm trùng vú (viêm vú), nhưng đôi khi viêm vú cũng xảy ra ở những phụ nữ không cho con bú. Nhiễm trùng vú có thể gây sốt với các triệu chứng như đau, đỏ, sưng. Nếu bạn nghĩ mình có thể bị nhiễm trùng vú, điều quan trọng là gặp bác sĩ. Điều trị thường bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau, đôi khi phải chọc hút lấy mủ của ổ áp xe hoặc nặng hơn là cần phẫu thuật.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ, dẫn đến tình trạng này như Oxymethone điều trị một số dạng thiếu máu; Chlorpromazine điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần. Thuốc lợi tiểu dùng cho bệnh nhân thận, tim và huyết áp cao; liệu pháp nội tiết tố (thuốc tránh thai, thay thế hormone hoặc điều trị vô sinh); digitalis chỉ định trong điều trị cho bệnh nhân suy tim); Methyldopa dùng cho người bệnh cao huyết áp cũng có thể khiến người bệnh căng, nhức vùng ngực. Bạn nên hỏi bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng và tác dụng phụ nếu có.
Nang vú
Nếu một khối u mềm đột nhiên xuất hiện ở vú có thể là nang vú lành tính. Loại này không nguy hiểm và thường không cần điều trị vì chúng có thể tự khỏi sau một vài chu kỳ kinh. Nhưng chị em nên thăm khám để được bác sĩ đánh giá bất kỳ khối u nào trong vú. Để chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị chụp nhũ ảnh, siêu âm hoặc chọc hút (sang thương nang hoặc đặc). Rút chất lỏng từ u nang cũng là một hình thức điều trị. Nếu u nang không gây khó chịu, người bệnh có thể không cần điều trị.
Ung thư vú
Bác sĩ Thùy Giang dẫn nghiên cứu cho thấy, ung thư vú dạng viêm thường gây đau nhưng hiếm gặp, chiếm từ 1-5% các trường hợp ung thư vú. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh chóng. Ung thư vú dạng viêm có thể khiến tuyến vú sưng to rất giống áp xe vú giai đoạn đầu như đỏ hoặc đổi màu, sưng hoặc nặng, đau, da trên vú cũng có thể dày lên hoặc lõm xuống. Ung thư vú dạng viêm rất nguy hiểm, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, có 2,3 triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và có 685.000 ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam thuộc top đứng đầu thế giới về tỷ lệ mắc ung thư vú, số ca mắc mới là 21.555 và tử vong là 9.000 ca.
Ung thư vú giai đoạn sớm sẽ điều trị hiệu quả và hầu hết bảo tồn được tuyến vú. Tỷ lệ sống còn trên 80% sau 10 năm, tái phát (5-7%), di căn thấp (13%) và tái phát được phát hiện sớm, điều trị ổn định lâu dài. Tự theo dõi triệu chứng, khám tầm soát giúp phụ nữ hiểu được cách chăm sóc sức khỏe và giải quyết các thay đổi sinh lý hay bất thường về bệnh lý của tuyến vú.
Nhằm cung cấp thông tin về các bệnh lý tuyến vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Bệnh lý tuyến vú: Vai trò của chẩn đoán, tầm soát và điều trị". Chương trình có sự tham gia tư vấn của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM gồm ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang - Trưởng khoa Ngoại vú, ThS.BS Huỳnh Bá Tấn - khoa Ngoại vú, BS.CKI Phạm Tấn Phát - Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp. Chương trình phát trên fanpage VnExpress lúc 20h ngày 9/2. Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây. |
Uyên Quyên