Tâm điểm sự chú ý của người dân Hà Nội cuối tuần qua chính là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức mở cửa miễn phí cho hành khách trải nghiệm. Là một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhà chỉ cách ga Cát Linh chưa đầy một km, tôi cũng rất háo hức được trực tiếp thử cảm giác được ngồi tàu điện - loại phương tiện công cộng hiện đại bậc nhất tại Việt Nam bây giờ.
Có mặt tại ga Cát Linh từ khá sớm, khoảng 8h sáng chủ nhật 7/11, tôi đã rất bất ngờ khi lượng người tập trung về đây đông khủng khiếp. Người ta xếp hàng dài dằng dặc cả trăm mét từ tầng dưới lên tầng trên, người này đứng sát người kia, nhích từng bước để chờ đến lượt lên tàu. Không lạ cho tâm lý háo hức của phần đông người dân sinh sống và làm việc tại thủ đô vì đơn giản chúng tôi đã phải chờ đợi giây phút này từ quá lâu.
Người ta cứ "ném đá", chê bai khi dự án này bị chậm tiến độ, đội vốn qua nhiều năm, nhưng thực sự nó vẫn là nỗi mong chờ của người Hà Nội. Lần đầu tiên người Việt được trải nghiệm cảm giác đi trên một phương tiện công cộng hiện đại như thế. Và sự kỳ vọng càng nhân lên gấp bội sau quãng thời gian dài đằng đẵng phải chờ đợi để dự án chính thức được vận hành.
Xin bỏ qua những vấn đề lo ngại liên quan đến an toàn phòng dịch Covid-19 khi lượng người tập trung về đây quá đông trong hai ngày cuối tuần qua, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Bởi tôi cho rằng đây là trách nhiệm của ban điều hành nhà ga, các cơ quan chức năng, cũng như ý thức của người dân. Tất cả các bên đều cần phải rút kinh nghiệm và có thay đổi để tránh làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Nhưng nếu xét về mặt tích cực, giữa thời điểm dịch bệnh này, người ta vẫn đổ về đây tham quan, trải nghiệm, cho thấy một sự hưởng ứng lớn từ phía người dân với giao thông công cộng, rất đáng để lạc quan.
>> Tôi chấp nhận đi bộ 2 km để dùng tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Có người nói: "Chẳng qua vì đang mở cửa miễn phí nên người ta theo tâm lý đám đông hùa nhau đi check-in này nọ", nhưng tôi không nghĩ như vậy. Theo quan sát của tôi, những người tới trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Họ đến đây không chỉ để ngắm cảnh, chụp ảnh, mà còn hỏi han rất kỹ về cách thức đi lại, thủ tục lên tàu, làm quen với các bảng hiệu chỉ dẫn trong quá trình di chuyển, ghi nhớ điểm lên xuống, bàn luận với nhau về thiết kế, tiện nghi, tốc độ và những điểm chưa hài lòng với dự án... Chừng đó đủ cho thấy nhiều người thực sự nghiêm túc với tương lai của loại phương tiện mới này.
Nên nhớ rằng, người Hà Nội chưa bao giờ ngó lơ các phương tiện công cộng. Tôi chưa thấy xe buýt ngày nào vắng khách, thậm chí những giờ cao điểm, tôi phải chờ hai, ba chuyến xe mới có chỗ trống để lên là chuyện bình thường. Nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng không hề giảm đi trong những năm qua mà thậm chí ngày càng lớn hơn.
Hầu như những ai suốt ngày lên tiếng chê bai xe buýt bất tiện thế này, chất lượng dịch vụ kém thế kia, đều là những người chẳng bao giờ đi xe buýt. Thế nên với họ, chê luôn dễ hơn khen và ủng hộ. Chứ thực tế, với không ít người, xe buýt làm một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.
Và tôi tin, với những trải nghiệm ban đầu không hề tệ, theo cảm nhận của tôi và những người xung quanh nhận xét, tàu điện trên cao sẽ sớm trở thành một phương tiện thân thiện, nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân thủ đô, giống như xe buýt. Thứ mà tôi hy vọng chính là chất lượng dịch vụ sẽ được đảm bảo và nâng cấp trong suốt quá trình khai thác, cũng như thành phố sớm có thêm những công trình công cộng khác để kết nối và mở rộng hạ tầng giao thông, phục vụ người dân đi lại trên những chặng dài hơn.
Nhìn dòng người xếp hàng tại ga hôm nay, mới thấy dự án này quan trọng và cần thiết thế nào. Sau hàng chục năm chờ đợi, cuối cùng người dân Hà Nội cũng đã được đi tàu điện trên cao.
Chúng ta đang đi đúng hướng vì tương lai của giao thông công cộng. Không dám đi thì làm sao đến đích? Chậm dứt khoát còn hơn không.
>> Bạn có sẵn sàng sử dụng tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.