Đọc bài viết "Tôi chấp nhận đi bộ 2 km để dùng tàu điện Cát Linh - Hà Đông" và các bình luận của độc giả, tôi nhận ra một điều là nhiều người Việt không chỉ lười đi bộ mà luôn có hàng trăm lý do để bao biện cho thói quen của mình. Có phải vì vỉa hè bị lấn chiếm, giao thông công cộng còn nhiều bất tiện, hạ tầng đô thị yếu kém, thời tiết quá khắc nghiệt... là những lý do khiến việc đi bộ ở Việt Nam trở thành bất khả thi như nhiều người vẫn nói?
Tôi không nghĩ như vậy. Thời gian qua, chúng ta liên tiếp có những hành động tích cực để cải thiện thực trạng giao thông của nước nhà. Từ đề án thu phí ôtô vào nội đô đến việc chính thức vận hành tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, và tiến tới là rất nhiều các công trình giao thông công cộng khác như Metro được gấp rút hoàn thành và kết nối. Tôi cho rằng đó là những bước đi rất dứt khoát, thể hiện tầm nhìn và quan điểm rất rõ ràng của những nhà quản lý để hướng tới mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, rất đáng hoan nghênh và ủng hộ.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy khá ngạc nhiên khi những giải pháp đó lại vấp phải sự phản đối của một bộ phận người Việt. Họ bàn lùi trước việc thu phí ôtô với lý do "giao thông công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại đâu?"; họ nói không với đề xuất cấm xe máy vì "cấm rồi biết đi bằng gì?"; họ chê tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là lãng phí ; họ kiên quyết dùng phương tiện cá nhân thay vì đi bộ kết hợp với xe buýt vì "chẳng thân thiện chút nào"... Và còn rất nhiều những câu chuyện tương tự.
Có thể thấy một điểm chung của những người này đó là tư duy đổ lỗi và bảo thủ với những cái cố hữu. Nhiều người Việt đã quá quen với việc một bước lên xe máy, ôtô đi đến bất cứ nơi đâu mong muốn. Chính vì cái sự tiện lợi đó mà chúng ta ngại thay đổi. Tôi chỉ thấy buồn cười là người ta cứ chê xe buýt nhưng lại sẵn sàng ngồi xe máy, chịu tắc đường vài km, hít đủ khói bụi, ô nhiễm; hay luôn miệng kêu ca vỉa hè bị lấn chiếm, không thể đi bộ được, nhưng chính họ lại phóng xe máy leo vỉa hè mỗi khi đường tắc...
>> Cơn khát tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Nói riêng về xe buýt, tôi khẳng định chất lượng xe buýt ngày nay đã được cải thiện rất nhiều: xe mới, sạch sẽ, văn minh, không còn cảnh chen chúc, móc túi nhiều như xưa. Ấy thế nhưng hãy nhìn những chuyến xe buýt đang hoạt động mà xem, đa phần chỉ có sinh viên, học sinh và người già sử dụng. Trong khi đó, lực lượng lao động chiếm phần đông nhất trong xã hội lại luôn thờ ơ. Vậy là do phương tiện công cộng không đủ tốt hay do chính chúng ta không chịu mở lòng sử dụng?
Trên thế giới, chẳng có quốc gia nào đặt trạm xe buýt, ga tàu điện trước cửa mỗi hộ dân để ai cũng một bước lên xe cả. Thế nhưng người ta vẫn chấp nhận đi bộ hàng km để sử dụng phương tiện công cộng. Những điều kiện thời tiết của họ có khi còn khắc nghiệt hơn ở ta nhưng đó chỉ là một yếu tố rất nhỏ. Người ta không lấy lý do đi bộ nắng, nóng, ra nhiều mồ hôi như một số người Việt để nói "không" với việc đi bộ. Đơn giản vì họ đặt cái lợi ích chung lên trên đòi hỏi cá nhân.
Cuối cùng chúng ta cứ rơi vào cái vòng luẩn quẩn: ngồi xe máy kêu ca tắc đường, trong khi bản thân không chịu đi bộ hay dùng phương tiện công cộng. Xe buýt có cải thiện thế nào, tàu điện có hiện đại đến đâu, hạ tầng công cộng có xây thêm bao nhiêu cũng sẽ chẳng để đạt được hiệu quả nếu bản thân người dân không chịu đồng hành, ủng hộ, hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung của xã hội.
Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đang gây nên một cơn sốt lớn ở Hà Nội. Nhưng tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu tương lai của nó cũng sẽ ế ẩm như xe buýt, khi nhiều người Việt vẫn lười đi bộ.
>> Bạn có sẵn sàng sử dụng tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.