UBND TP Hà Nội vừa gửi tới HĐND cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, những năm tới thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó.
Cá nhân tôi là một người dân Hà Nội, hoàn toàn đồng tình với việc điều chỉnh thời gian thực hiện đề án cấm xe máy của thành phố. Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Trong khi đó, trên 70% số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy, do vậy việc thành phố đưa ra lộ trình giảm, hạn chế và dừng hoạt động của xe máy tại các quận nội thành là rất cần thiết.
Thành phố đang tích cực phát triển hệ thống giao thông cộng như đưa tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông vào hoạt động, khai trương tuyến buýt điện đầu tiên, và tiến tới sẽ hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Tất cả những nỗ lực đó sẽ giúp hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội được kết nối. Khi kết hợp với việc cấm xe máy, chúng ta sẽ dần tạo được thói quen cho người dân đi bộ tới các điểm có phương tiện giao thông công cộng.
>> Cấm xe máy - 'đừng bàn lùi'
Chúng ta từng lo lắng đến viễn cảnh tàu điện vắng khách, xe buýt điện ế khách. Thế nên, không có cách nào hỗ trợ thúc đẩy các loại hình giao thông công cộng này phát triển bằng việc cấm xe máy và tiến tới hạn chế ôtô cá nhân. Rõ ràng, người dân cần động lực để mạnh dạn thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân trong việc di chuyển hằng ngày. Thời gian đầu, khi còn nhiều bỡ ngỡ, phần lớn người dân sẽ gặp đôi chút khó khăn, bất tiện. Nhưng tất cả sẽ được giải quyết nếu hệ thống giao thông công cộng được kết nối và đáp ứng được tốt nhu cầu đi lại của người dân. Hiệu quả về lâu dài là điều không cần phải bàn cãi.
Nhiều người than vãn đi xe buýt, tàu điện bất tiện, chật chội, dễ xảy ra nạn trộm cắp, móc túi... nhưng nếu cứ giữ mãi thái độ thờ ơ thì sao những phương tiện này phát triển được để cải thiện chất lượng dần dần? Hãy nhìn sang Quảng Châu (Trung Quốc), họ có tới 20 triệu xe máy nhưng vẫn cấm được đó thôi. Thế nên, ở ta, đây cũng là chuyện hoàn toàn khả thi. Cái gì cũng phải có thời gian để thích nghi. Cấm xe máy, tự khắc người dân sẽ phải tìm đến xe buýt, tàu điện, kết hợp với đi bộ. Lúc đó, các phương tiện công cộng ắt sẽ được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều đó hoàn toàn có lợi cho giao thông.
Có người lại lý luận "nếu giao thông công cộng đủ thuận tiện thì tự khắc người dân sẽ bỏ xe máy, không cần cấm", nhung tôi không tin điều đó. Với thói quen thích tiện, thích nhanh đã ăn sâu vào trong tiềm thức người Việt, ngay cả khi chúng ta có tàu điện ngầm, tôi tin phần lớn vẫn sẽ đi xe máy nếu không bị cấm. Bởi dù giao thông công cộng có hiện đại đến mức nào đi nữa cũng không thể so sánh được với xe cá nhân về mặt thuận tiện và giá rẻ.
>> 'Cấm xe máy trước, hạn chế ôtô sau'
Vẫn biết mọi so sánh với thế giới đều là khập khiễng, nhưng hãy nhìn xem, làm gì có quốc gia phát triển nào cho xe máy đi lại nhiều như Việt Nam? Chính sự lộn xộn cùng ý thức kém của người đi xe máy chính là thứ kìm hãm sự phát triển của giao thông Việt Nam nói chung và giao thông công cộng nói riêng. Đã đến lúc người Việt ta đừng kêu ca nữa, mà hãy tập dần thói quen này, đừng bảo thủ nghĩ đến chuyện để mấy thế hệ nữa, con cháu chúng ta vẫn đi xe máy, không có nước nào như vậy cả. Nếu đi xe máy có nhiều lợi ích, thì tôi tin các nước trên thế giới đã chẳng mất công, mất của phát triển xe buýt, tàu điện và các phương tiện công cộng khác rồi.
Bản thân tôi cũng là người đang sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chính, nhưng thú thực, tôi đã phát ngán với cảnh chen chúc, tắc đường, chịu nắng mưa, hít khói bụi rồi. Sau khi trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông, tôi thực sự có niềm tin vào tương lai của giao thông công cộng tại Hà Nội. Chờ đến khi toàn bộ hạ tầng được kết nối, tôi sẵn sàng là một trong những người đầu tiên bỏ xe máy để thực hiện đề án vào năm 2025. Xin đừng để chiếc xe máy cản trở sự phát triển, văn minh của xã hội, hay khiến bạn ngày một lười biếng.
Theo tôi, cấm xe máy là một quyết định mang tính đột phá. Với những bước tiến lớn như trong thời gian qua, hy vọng, trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ có một diện mạo mới về giao thông phù hợp và văn minh hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.