Theo dự thảo đề án của Sở Giao thông Vận tải, sau năm 2025, thành phố dự kiến cấm xe máy tại 5 quận trung tâm và một phần các quận khác với diện tích 145 km2; phạm vi cụ thể gồm 5 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ và một phần các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.
Đồng tình với quan điểm "Cấm xe máy quyết liệt như bắt đội mũ bảo hiểm", độc giả Clouds chỉ ra một tác động tích cực khác khi đề án cấm xe máy được đi vào thực tế: "Chính vì cái xe máy mà người dân chỉ có thể đi học và làm việc quanh khu vực bán kính 15 km. Chẳng ai muốn chạy xe máy đi thật xa để đi học hay đi làm cả. Khi cấm xe máy, phương tiện giao thông công cộng sẽ dần phát triển. Từ đó, người ta sẽ không còn ngại đi xa nữa. Nhờ đó, thành phố sẽ dần được mở rộng ra các vùng lân cận chứ không còn túm tụm lại trung tâm như hiện tại. Vấn đề quá tải trong nội đô sẽ được giải quyết".
Đồng quan điểm, bạn đọc Laicuong bổ sung:"Theo tôi, việc cấm xe máy sẽ thay đổi gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong thành phố. Các cửa hàng, cửa hiệu sẽ không có mặt khắp nơi như hiện nay mà sẽ tập trung lại ở các khu vực đường lớn, rộng, có chỗ đậu xe hay bến xe công cộng. Một lượng lớn những người đang thuê mặt phố để kinh doanh cũng sẽ phải tính chuyện chuyển nghề, tìm các công việc khác để thích ứng.
Bên cạnh đó, mật độ dân số chắc chắn sẽ giảm đi khi xe máy ngưng hoạt động. Ngày nay, người ta vẫn tập trung vào vùng trung tâm thành phố chỉ vì ở đó kinh doanh, buôn bán được, nhà ở lại thuận tiện, dịch vụ xã hội đầy đủ. Còn khi đã cấm xe máy, việc ở trong nội đô sẽ là một trở ngại, bất tiện quá lớn, nên người ta sẽ tìm cách giãn ra các khu vực ngoại thành, chứ không cố bám trung tâm nữa. Không có cơ hội kinh doanh mặt phố, người các tỉnh đổ về thì Hà Nội buôn bán còn mấy người?
Ôtô khi đó cũng không phải là vấn đề quá lớn, không có xe máy, tất nhiên sẽ có người mua ôtô thay thế, nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ, không thể tăng đột biến. Bởi ngay cả khi có tiền dư mua ôtô, nhưng để nuôi một chiếc xe (chi phí, bến bãi) cũng không phải chuyện đơn giản. Thử hỏi, có mấy nhà mặt phố để được hai chiếc ôtô trong nhà? Hà Nội chủ yếu toàn nhà ngõ, nhà phố 100 m2 nên cũng không phải quá lo ngại viễn cảnh tắc đường vì ôtô".
>> Sai lầm nghĩ Hà Nội cấm xe máy để đi ôtô
Chủ trương hạn chế xe máy ở Hà Nội dự kiến tác động đến khoảng 3,5 đến 6,5 triệu người dân đô thị theo từng thời kỳ, khiến họ thay đổi thói quen đi lại, sinh hoạt. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ tạo điều kiện phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc giao thông đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trước một số ý kiến lo ngại vấn đề cấm xe máy sau năm 2025 sẽ không khả thi, độc giả Cường Quốc phản biện: "Ở đây, đề án là cấm xe từ vùng lõi, mấy quận trung tâm trước, chứ không phải cấm hết tất cả các quận ngay lập tức, nên chúng ta không phải lo đến tính khả thi của nó. Cấm xe máy là đường lại thoáng như mùng Một Tết, chứ không có chuyện ùn tắc hơn. Vì không cho đi xe máy nữa là hàng quán vỉa hè sẽ dẹp hết vì không còn người mua; các văn phòng cho thuê cũng sẽ chuyển ra ngoại thành hết vì chẳng mấy công ty có nhân viên 100% đi ôtô để vào trung tâm.
Theo tôi, cấm xe máy cũng chính là một cách để giãn dân, giãn lưu lượng giao thông trong nội đô. Trong phạm vi mấy quận đó, chỉ cần bố trí tăng lưu lượng phương tiện công cộng, chắc chắn cũng không vượt quá năng lực của thành phố. Ai có nhà trong ngõ ngách, quá bất tiện, có thể chuyển nhà ra khu ngoại thành cho thuận tiện. Làm như vậy thì có gì mà cứ phải bàn lùi? Liệu chúng ra cứ lùi đến bao giờ? Nếu không làm ngay thì có lẽ 20 năm nữa Hà Nội cũng chẳng khác gì hiện tại".
Đó cũng là nhận định của bạn đọc Đỗ Minh Thành: "Thật sự, từ bỏ xe máy là một xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Hầu như người nước ngoài đến Việt Nam ai cũng sửng sốt, thậm chí sốc vì chúng ta có quá nhiều xe máy, giao thông hỗn loạn, rất nguy hiểm. Nếu ai từng đi nước ngoài sẽ thấy khác biệt rất rõ. Lấy ví dụ ở Nhật Bản, để nhìn thấy một chiếc xe máy đi trên đường là chuyện rất hiếm, nên đường sá của họ luôn đủ rộng để đi được ôtô. Thậm chí, ở nước bạn Lào, tôi đã rất bất ngờ khi thấy phương tiện cá nhân chủ yếu của họ cũng là ôtô, rất ít xe máy. Trong khi đó, kinh tế, sự phát triển của họ đâu bằng chúng ta, nên đừng đổ lỗi 'nước mình còn nghèo'.
Phải thay đổi thì mới có kết quả. Có thể lúc ban đầu, chúng ta sẽ gặp một chút khó khăn,, nhưng nếu cứ thấy khó mà không làm thì bao giờ người Việt mới làm được? Một khi đã cấm xe máy, chắc chắn sẽ tạo nên một động lực vô cùng to lớn để các phương tiện công cộng có điều kiện phát triển. Số chuyến, các điểm dừng xe buýt tăng lên gấp bội, thời gian chờ sẽ chỉ 3-5 phút một chuyến, tàu điện mở rộng phạm vi hoạt động... nhu cầu đi lại của người dân sẽ được đáp ứng ngày một nhiều.
Hãy cứ nhìn vào ví dụ rõ ràng nhất chính là đợt bùng dịch Covid-19 vừa qua. Thay vì chịu trận, nước ta đã tận dụng, biến thách thức thành cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số, và đạt được những kết quả thần kỳ. Thậm chí, trong bối cảnh bình thường, có lẽ chúng ta sẽ phải mất 5-10 năm nữa mới làm được như ngày hôm nay. Vậy mới nói, áp lực sẽ tạo nên kim cương".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.