Tại Nghị quyết tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, ngày 5/4, Chính phủ nêu yêu cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng, tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Đồng tình với quan điểm cấm xe máy tại năm thành phố lớn, độc giả Minh.ngoquangec chia sẻ: "Chắc chắn sẽ có nhiều người phản đối đề án cấm xe máy. Nhưng nếu nghĩ một cách toàn diện, nếu chúng ta cứ mãi không cấm, cứ để cho xe máy chạy đầy đường, đến lúc đó tự dưng người Việt ra đường sẽ đứng im nhìn nhau rồi kêu trời. Hạ tầng thành phố chỉ có vậy, đất đâu nữa mà đòi mở rộng đường thêm?
Chỉ có cách dẹp bỏ một vài loại phương tiện cá nhân để có thêm không gian cho phương tiện công cộng mà thôi. Ở đây, chắc chắn phương tiện cần bị hạn chế sẽ là xe máy và ôtô cá nhân. Một, hai năm tới có lẽ chúng ta sẽ chưa đủ điều kiện để cấm, nhưng 10 năm nữa thì chắc chắn phải làm quyết liệt. Do đó, cần chuẩn bị kế hoạch dần từ bây giờ, để tới lúc đó sẽ cấm triệt để. Vậy nên, tôi ủng hộ cứ làm từ từ từng vùng rồi mở rộng ra thêm".
Đồng quan điểm, bạn đọc Sơn Lê cho rằng:"Tôi hoàn toàn đồng ý với đề án cấm xe máy và tăng thu phí ôtô. Các lợi ích có thể nhìn thấy ngay, đó là:
- Các công ty, doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển dần ra các quận ven thành phố. Người dân có thể đi làm gần hơn vì đa số dân văn phòng đề mua nhà ở các quận vùng ven.
- Mở ra không gian để phát triển các dịch vụ phương tiện công cộng. Nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng sẽ cao lên, qua đó thu hút được nhà đầu tư.
- Người dân sẽ không còn phải chịu cảnh đi xe máy nắng nôi và hít khói bụi, đời sống được cải thiện hơn".
>> 'Cấm xe máy sẽ giãn dân khỏi trung tâm'
Trước một số ý kiến e ngại những hệ lụy của đề án "cấm xe máy", độc giả Corddiamond.bid nhấn mạnh: "Nhiều người chỉ nhìn vào bề nổi của vấn đề cấm xe máy nên mới lấy lý do các vấn đề giao thông công cộng chưa phát triển để bàn lùi. Thực tế, thời gian gần đây, tôi để ý thấy nhiều tuyến đường được mở rộng, nhiều cây cầu được xây thêm. Bên cạnh đó, Metro đang tăng tốc hoàn thiện, xe buýt cũng được đầu tư thêm buýt điện, các dịch vụ xe công nghệ cũng phát triển... đó là những việc đang được làm song song, tiến đến lộ trình cấm xe máy trong nhiều tuyến đường, khu trung tâm.
Lúc nào cũng sẽ có những người than thở khi xã hội cần đổi mới để đi lên. Tôi cho rằng người Việt cần tập thích nghi, tập thay đổi, thay cho việc khóc than.
Chúng ta là những người vừa sống sót qua một trận dịch kinh hoàng, thế nên tại sao không mạnh dạn, tích cực đổi mới tư duy để cuộc sống được nâng tầm".
Cũng ủng hộ cấm xe máy từ năm 2030, bạn đọc Quoc Khanh chỉ ra những việc cần làm ngay từ bây giờ: "Theo tôi, muốn cấm xe máy, chúng ta phải làm trước các viêc sau:
1. Tăng cường mạng lưới, nâng cao chất lượng, hình thức của các phương tiện giao thông công cộng.
2. Chuẩn bị các điểm gửi xe đạp gần trạm xe công cộng.
3. Xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè.
4. Trồng nhiều cây xanh trên vỉa hè, trạm trú mưa, nắng cho người đi bộ.
5. Xử lý mạnh tay tệ nạn trộm cướp, móc túi trên các phương tiện công cộng, vì khi xe máy không còn, kẻ gian sẽ chuyển qua xe công cộng để hành nghề".
>> Ba khó khăn nếu Hà Nội cấm xe máy sau 2025
Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai, tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông tại thủ đô. Khẳng định cấm xe máy là điều tất yếu để phát triển, độc giả Đặng Đức Long kết lại: "Nếu hạn chế được xe máy, đồng thời tăng cường phương tiện xanh như xe điện, xe đạp... và hệ thống giao thông công cộng thì tôi nghĩ quá tốt cho sự phát triển chung của xã hội.
Muốn làm được điều này, chúng ta cần phải quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Thực tế, rất khó có thể bỏ xe máy với tình trạng xây nhà chung cư tràn lan như hiện nay. Đất chật, người đông, không đi phương tiện cá nhân thì bài toán 'đi bằng gì?' chắc chắng không hề dễ giải.
Vấn đề này không chỉ là thách thức của riêng ngành Giao thông mà còn là của tất cả các ban ngành, cũng như toàn dân. Tôi tin, nếu hạn chế được xe máy, Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... sẽ là những thành phố thực sự đáng sống, không thua bất cứ nơi nào trên thế giới".
Trước đó tháng 12/2021, Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5. Sau năm 2030, thành phố dừng hoạt động xe máy ở các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.