Mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh vụ việc ôtô bị đập vỡ kính trên cầu Thanh Trì vì giành đường xe máy, thu hút nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Bỏ qua việc xác định ai đúng, ai sai trong vụ việc này vì còn cần cơ quan chức năng làm rõ, tôi chỉ muốn tập trung vào câu chuyện ý thức giao thông tại Việt Nam trên các làn đường hỗn hợp.
Đường hỗn hợp có thể hiểu đơn giản là nơi không quy định rõ đâu là làn đường dành cho ôtô, đâu là làn đường dành cho xe máy? Tại đây, tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ, từ xe đạp, xe máy, ôtô, cho tới xe buýt, xe tải... đều được di chuyển cùng lúc. Với điều kiện đường sá và hạ tầng giao thông còn nhiều thiếu thốn, không lạ khi ở Việt Nam, chủ yếu là đường hỗn hợp. Và đó là khi tình trạng hỗn loạn bắt đầu diễn ra khi các phương tiện đi lại bất chấp, không nhường nhịn, đặc biệt là giữa người đi ôtô và xe máy - hai thành phần đông đảo nhất trên đường Việt.
Vì là đường không phân chia làn cụ thể cho từng loại phương tiện khác nhau nên người ta tự cho mình cái quyền "thích đi thế nào cũng được". Tham gia giao thông trên những con đường này, không khó để bắt gặp cảnh ôtô dàn hàng ngang, đi vào sát lề bên phải khiến người đi xe máy không còn đường để đi. Trong khi đó, cánh xe máy buộc phải luồn lách ra giữa đường, sẵn sàng tạt đầu ôtô để len lỏi giữa hàng xe bốn bánh.
Đối với các làn đường hỗn hợp, đa phần không có biển báo quy định làn xe. Do vậy, đương nhiên người tham gia giao thông khi lấn làn, chuyển làn không đúng quy định sẽ không bị bắt lỗi. Cuối cùng, người tham gia giao thông cứ "mạnh ai người nấy đi", hễ trống chỗ nào là điền vào chỗ đấy. Tất cả tạo nên một mớ hỗn loạn trên đường phố.
Khi cuộc xung đột ngày càng gay gắt, tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng, ngọn lửa giận dữ vì bị giành được ngày một bùng phát. Và đôi khi chỉ cần bộ va quệt nhỏ cũng có thể làm "giọt nước tràn ly", hai bên có thể sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ, dùng nắm đấm, phá hoại tài sản của người khác để thỏa cơn bực tức của mình. Vụ việc nói trên tại cầu Thanh Trì chính là một ví dụ điển hình cho thực trạng báo động này.
Xét cho cùng, vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở ý thức của người tham gia giao thông. Nếu cánh tài xế ôtô chịu bình tĩnh xếp hàng, đi theo thứ tự, hàng lối, nhường một phần đường cho xe máy, thì tôi tin sẽ chẳng xảy ra xung đột gay gắt như vậy. Tiếc rằng, nhiều người không muốn chờ, không thích xếp sau nên cứ hễ có khoảng trống là họ lao lên chiếm chỗ. Để rồi, họ kéo cả những người khác (xe máy) phải đứng lại cùng mình.
Câu hỏi là chẳng lẽ người lái ôtô vô tư đến mức chặn đường xe máy mà không biết? Tôi nghĩ rằng không, phần lớn họ đều hiểu rằng hành động của mình sẽ gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác, nhưng chỉ vì tâm lý cá nhân chủ nghĩa, luật không cấm thì cứ việc làm, nên cuộc chiến giành đường mới ngày một phức tạp. Sự ích kỷ trong văn hóa đi đường của một bộ phận không nhỏ tài xế Việt chính là nguồn cơn của mọi mẫu thuẫn, xung đột trên đường Việt.
Quả thực, làn hỗn hợp ở Việt Nam chẳng khác nào bức tranh tả thực sự lộn xộn trong lưu thông, làm gia tăng tai nạn, xung đột luồng tuyến và tắc nghẽn giao thông. Mong mọi con đường đều được mở đủ rộng để phân làn có lẽ làn chuyện xa vời và phi thực tế ở nước ta. Thứ duy nhất có thể điều chỉnh để cải thiện chất lượng giao thông chỉ có thể là ý thức của người dân. Chỉ khi nào người Việt chịu nhường nhịn, nghĩ cho cộng đồng, giảm bớt sự tham lam cho riêng bản thân mình, khi ấy chúng ta mới thôi phải chứng kiến những vụ ẩu đả kém văn minh như thế kia.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.