Bao nhiêu năm qua, thói quen sử dụng xe máy đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Tôi là một người thuộc thế hệ 8X. Ngay từ nhỏ, tôi đã thấy những người trở về từ nước ngoài, mang theo một chiếc xe máy, khiến bao người ao ước. Rồi kinh tế phát triển, mỗi học sinh sau khi đỗ đại học đều được bố mẹ thưởng cho một chiếc xe máy như một món quà đầu đời. Dần dần, mỗi nhà có tới ba, bốn chiếc xe máy, càng nhiều người lớn thì số lượng xe máy càng tăng.
Thoạt đầu, chúng ta thấy xe máy rất tiện lợi, không thể sống thiếu chúng được. Xe máy chở hàng, đồ đạc, đi chợ, đi làm, đưa rước con đi học... Chúng có thể luồn lách trong các ngõ hẹp, muốn mua bán gì chỉ cần nhảy lên xe là đi. Tuy nhiên, đổi lại, xe máy đã âm thầm lấy mất của chúng ta quá nhiều thứ.
Đầu tiên, tai nạn giao thông tăng cao với người đi xe máy. Hàng năm, theo thống kê, chúng ta có 90% số người thương vong vì đi xe máy.
Thứ hai, về quy hoạch, chính vì quen sử dụng xe máy nên tư duy về quy hoạch cũng manh mún, nhà hẻm lòng vòng, có những con hẻm chỉ đủ rộng để một xe máy đi qua. Trung tâm thương mại, siêu thị không có bãi đỗ xe, đường sá chật hẹp, tù túng, xô bồ, rối loạn.
Thứ ba, về trật tự xã hội, nạn cướp giật bằng xe máy, đua xe, nẹt pô, chợ tạm, hàng ăn ven đường, vệ sinh an toàn thực phẩm kém... ngày một gia tăng.
Thứ tư, thói quen sử dụng xe máy sẽ tiếp tục ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ sau mà không dứt ra được.
Thứ năm, phương tiện công cộng không thể phát triển, vì ai cũng nói xe buýt không tiện lợi bằng xe máy, nên không chịu sử dụng.
Và còn rất nhiều hạn chế khác nữa. Nếu chúng ta cứ chờ phương tiện công cộng phát triển rồi mới cấm sử dụng xe máy thì nó giống cũng như câu chuyện quả trứng với con gà, 10-20 năm nữa cũng không giải quyết được. Trước đây, vấn đề đội mũ bảo hiểm khi ra đường cũng có rất nhiều ý kiến tranh luận và phản đối, nào là khí hậu nắng nóng, mồ hôi, nên đội suốt ngày không tốt; rồi đi ăn cưới đầu tóc rối tung... Nhưng khi luật ra, tất cả đều đội mũ bảo hiểm. Đến bây giờ, người ta khẳng định rằng mũ bảo hiểm hoàn toàn mang lại lợi ích và chẳng ai phản đối nữa.
>> Sai lầm nghĩ Hà Nội cấm xe máy để đi ôtô
Bản thân tôi luôn ví đó là cuộc cách mạng sau một đêm. Và giờ đây, đối với câu chuyện cấm xe máy, có lẽ chúng ta cũng cần một cuộc đột phá như thế. Đó là phải dần tiến tới không sử dụng xe máy nữa. Chúng ta muốn phát triển, giao thông thuận tiện, giảm số người thương vong thì bắt buộc phải thay đổi càng sớm càng tốt. Tất nhiên là phải theo lộ trình: đầu tiên sẽ cấm xe máy đi vào các tuyến đường lớn có phương tiện công cộng, các tuyến liên quận, liên tỉnh; sau đó là các quận nội thành, trung tâm.
Khi không được sử dụng xe máy thì nhu cầu đi phương tiện công cộng sẽ tăng lên, sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào và sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân. Kết hợp với giải pháp thu phí ôtô vào nội đô, tàu điện, các ngành nghề có thể làm việc từ xa sẽ phát triển. Các doanh nghiệp, trường học sẽ tổ chức xe đưa rước riêng. Học sinh, sinh viên sẽ được bố trí học ở địa điểm thuận lợi nhất chứ không phải theo hộ khẩu như hiện nay... Khi đó, các con hẻm trong nội đô sẽ dần dần được thay thế; chợ tạm, hàng ăn ven đường sẽ được sắp xếp lại. Trật tự giao thông sẽ dần dần được sắp xếp ổn định sau một, hai năm.
Bây giờ chính là thời điểm bước ngoặt để thay đổi. Và trong tương lai, phương tiện giao thông công cộng mới sẽ ngày một phát triển. Lúc đó, chúng ta càng phải quên đi xe máy. Tóm lại, tôi hoàn toàn đồng ý cấm xe máy vào trung tâm và phải tiến hành càng sớm càng tốt, không nên chần chừ.
Năm nay tôi đã 40 tuổi, và muốn thấy con cháu mình được sống trong an toàn, đường sá sạch đẹp, không xô bồ, nguy hiểm như hiện tại. Tôi sẵn sàng bán bốn chiếc xe máy trong nhà để tất cả đều đi xe buýt. Tôi tin rồi xã hội sẽ tự sắp xếp và ổn định theo quy luật cung - cầu và cuộc cách mạng này sẽ mang tới văn minh giao thông cho Việt Nam trong 10 năm tới.
Thế giới đã đi xe hơi từ cách đây 100 năm rồi, người Việt không thể để con cháu mình tiếp tục đi xe máy thêm một thập kỷ nữa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.