Nhà tôi có hai con nhỏ, đứa bé học mẫu giáo, đứa lớn học lớp 6, nên ngày nào hai vợ chồng tôi cũng chia nhau đưa đón. Sau khi đưa bé lớn đến trường cách nhà 6 km, tôi lại tiếp tục đi 4 km nữa tới công ty. Trường học của con tôi có quy định, trẻ đến lớp trễ khỏi cần học, mà cho ra đứng cột cờ, nên hai bố con tôi mà đi xe buýt kết hợp đi bộ từ trạm xe đến trường thì chắc tôi phải luyện thêm cho con môn chạy marathon mới kịp.
Một giải pháp khác là dậy sớm hớn. Con tôi học trường tư nên 7h30 phải có mặt ở trường nên với 6 km đi xe buýt cộng thêm đi bộ nữa, cha con tôi có lẽ phải bắt chuyến xe từ 6h30. Tức là, con tôi sẽ phải dậy từ 6h và trong lúc đánh răng rửa mặt, bữa sáng sẽ có ly món trứng cuộn bày sẵn trên bàn như phong cách sống ở Tây Âu. Mà muốn được như vậy thì vợ chồng tôi chắc phải dậy từ 5h sáng và lao vào bếp để hiện thực giấc mơ đó.
Hãy tưởng tưởng một anh kỹ sư hay một chị quản lý dự án cho một công ty mà khách hàng ở Anh, Đan Mạch, Pháp... gì đó. Khi 15h ở Việt Nam là 9h sáng bên đối tác, trong khi đó 16h chúng ta lại phải xuất phát để kịp bắt xe buýt tới trường đón con, vậy tính ra tiếng Anh cho công việc của họ chỉ có hai câu: "Good morning" và "Goodbye! I need to pick up my kid". Nghĩ đến thôi tôi đã thấy không kham nổi rồi.
Có vẻ chuyện đi bộ với những gia đình bộn bề con cái như tôi không khả thi lắm. Vậy chắc phải nhờ cả vào các bạn sinh viên, các bạn trẻ độc thân hy sinh vì cộng đồng? Các bạn chỉ có mỗi việc đi học hoặc đi làm cho duy nhất một công ty thôi, nên chắc tuyến đường đi và về của các bạn không đến nỗi quá phức tạp đúng không?
Nói vậy tức là các bạn sinh viên muốn đi xe buýt thì tan học cũng đừng đi học thêm, đừng đi làm thêm mà hãy về nhà. Vì xe buýt ở Việt Nam chỉ chạy đến 20h, tức là nếu các bạn đi làm phục vụ quán cà phê, quán ăn để đỡ đần cha mẹ thì giờ này các bạn phải đón khách vào quán chứ không phải lúc để bắt chuyến xe buýt cuối cùng về nhà. Khi tan ca, các bạn sẽ có thể gọi taxi về nhà cho an toàn hoặc ngủ lại quán ngày mai đi học luôn cho đỡ tốn kém. Tương tự với các thanh niên công sở cũng không thể học thêm ngoại ngữ, hay nghĩ tới học bằng văn bằng hai (tại chức), tham gia hội nhóm, câu lạc bộ, chơi thể thao...
Thực ra, đó chỉ là nói vui vậy thôi. Tôi không hề phủ nhận tầm quan trọng của giao thông công cộng. Xe buýt hoàn toàn có thể nới thời gian chạy xe tới 22h thậm chí 0h nếu mỗi công dân chúng ta đều có ý thức vì cộng đồng. Khi đó, tôi tin không có lý gì các nhà quản lý lại không chịu bỏ thêm chút tiền bù lỗ xe buýt dù chạy vắng khách buổi đêm. Tất cả những rắc rối với các đối tượng như tôi nêu trên cũng sẽ được giải quyết êm thấm.
>> 'Đi bộ chục km ở Tây không khổ bằng một km ở ta'
Nếu đường phố Sài Gòn và Hà Nội buổi tối mát mẻ và hàng quán đã được dọn dẹp gọn gàng để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, chúng ta sẽ có những phố đi bộ rộng thênh thang. Và người dân sẽ được mặc sức mà tung tăng từ bến xe buýt về nhà.
Tóm lại, ở Việt Nam, muốn đi xe buýt, người ta không chỉ phải đi bộ mà là chạy bộ. Điều này trái ngược với ở các nước phát triển, nơi bạn đi xe buýt và đi bộ không phải bởi vì vỉa hè rộng rãi, hay xe buýt đúng giờ, đơn giản là đó là cách tiết kiệm nhưng hiệu quả nhất. Bạn cũng chẳng có gì phải cố gắng, nỗ lực phi thường gì trong chuyện này, bạn đã có đầy đủ các dịch vụ, tiện nghi và sự an toàn nhất định để đi bộ và đóng thuế.
Nếu bạn đang ngồi ở đâu đó cách Việt Nam nửa vòng trái đất và thắc mắc tại sao người Việt có mỗi chuyện đi bộ mà cũng không làm được, thì xin thưa chúng tôi không phải là thiếu hiệp tinh thông võ nghệ, hay bôn tẩu giang hồ trong truyện kiếm hiệp để không chút vướng bận cơm áo gạo tiền.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.