Đột quỵ xảy ra trong giấc ngủ (còn gọi là đột quỵ khi thức dậy) là khi một người trước khi đi ngủ không có các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như yếu liệt tứ chi, khó nói, nhìn mờ, méo miệng... nhưng khi thức dậy thì có.
Khi cấp cứu người bị đột quỵ trong lúc ngủ, do khó xác định chính xác thời gian cụ thể, người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh, trang bị đủ các thiết bị cần thiết như máy MRI, CT, DSA. Các bác sĩ sẽ khảo sát, đánh giá, can thiệp kịp thời, tránh mất thời gian phải di chuyển đến một cơ sở khác.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, để biết bệnh nhân từ khi đột quỵ đến lúc thức giấc và đến bệnh viện là bao nhiêu giờ, bác sĩ thường căn cứ vào thời gian người nhà còn nhìn thấy bệnh nhân sinh hoạt như bắt đầu đi ngủ, dậy đi vệ sinh, còn nói được... Nếu cả bệnh nhân và người nhà không biết, bác sĩ dựa vào chẩn đoán hình ảnh để xác định thời điểm đột quỵ.

Người có dấu hiệu đột quỵ khi thức dậy cần đưa đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời. Ảnh: Freepik
BS.CKII Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Đơn vị Hình ảnh học Thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thêm, với những biểu hiện lâm sàng nghi ngờ, bác sĩ sẽ ưu tiên chụp CT (cắt lớp vi tính), MRI (cộng hưởng từ) để kiểm tra. Các máy CT 768 lát cắt và MRI 3 tesla đánh giá khá chính xác về hình ảnh đột quỵ như phình, vỡ phình, bóc tách, tắc hoặc dị dạng mạch máu. Những chuỗi xung khuếch tán của máy MRI có thể giúp phát hiện đột quỵ sớm chỉ sau 15-30 phút xảy ra. Đồng thời, với các phần mềm chuyên dụng, hình ảnh từ MRI và CT có thể hỗ trợ bác sĩ ước đoán thời gian người bệnh bị đột quỵ và đánh giá các vùng não có thể phục hồi, không thể phục hồi để can thiệp phù hợp.
Nếu bị đột quỵ do nhồi máu não và từ thời điểm đột quỵ đến lúc cấp cứu không quá 4,5 giờ, bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết. Trường hợp người bệnh bị tắc ở mạch máu lớn và thời điểm phát hiện từ sau 4,5 đến 6 giờ, bác sĩ cân nhắc can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông bằng dụng cụ cơ học. Nếu đột quỵ do xuất huyết não hoặc xuất huyết dưới nhện, tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh nhân, bác sĩ đưa ra hướng điều trị can thiệp, phẫu thuật hoặc hồi sức nội khoa.
BS.CKI Dương Đình Hoàn chia sẻ thêm, hầu hết những ca đột quỵ lúc thức giấc xảy ra quá 4,5 giờ hoặc không xác định được thời gian cụ thể, bác sĩ sẽ tiết kiệm thời gian nhất bằng cách chụp MRI não khẩn cấp. Nếu xác định tắc động mạch lớn và đánh giá khả năng phục hồi của các vùng mô não liên quan, bác sĩ tiến hành can thiệp mạch kịp thời.
Bác sĩ Minh Đức giải thích thêm, sự thay đổi theo nhịp sinh học hoặc thời gian ban đêm trong quá trình đông máu, nồng độ hormone và chức năng thần kinh có liên quan đến đột quỵ khi ngủ. Giống như các biến cố về tim, đột quỵ thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng và càng cần cấp cứu kịp thời.
Các yếu tố khác có thể liên quan đến đột quỵ khi thức dậy bao gồm rối loạn nhịp thở khi ngủ và chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị dẫn đến các đợt giảm oxy lên não thường xuyên. Những thay đổi này có thể khiến một người bị thiếu máu cơ tim như đau tim và rối loạn nhịp tim như rung tâm nhĩ, làm giảm thêm lưu lượng máu đến não. Điều này cần được lưu ý ở bệnh nhân có mảng cholesterol trong động mạch ở cổ đưa máu từ tim lên não.
Bình An