Căng cơ bắp chân là một chấn thương khiến các cơ, sợi cơ ở mặt sau cẳng chân bị rách, nhưng phần lớn mô cơ vẫn nguyên vẹn. Trường hợp căng cơ nặng không điều trị sớm, sợi cơ ở bắp chân có thể bị đứt, mất chức năng vận động.
Người bệnh có các triệu chứng căng cơ, đau nhói ở phía sau chân, giữa đầu gối và mắt cá chân, bắp chân mềm, sưng to. Mức độ đau có thể tăng nếu tình trạng căng cơ ở bệnh nhân không cải thiện. Dưới đây là các mức độ căng cơ bắp chân.
Mức độ 1: Căng bắp chân xảy ra khi sợi cơ có các vết rách nhỏ. Người bệnh thấy khó chịu, đau nhẹ, nhưng có thể hoạt động bình thường.
Mức độ 2: Cơn đau bùng phát khi đi bộ, không thể tập thể dục, chạy, nhảy, bắp chân sưng, mất 5-8 tuần để hồi phục hoàn toàn.
Mức độ 3: Đây là mức độ chấn thương nặng khiến các sợi cơ rách hoặc đứt hoàn toàn, bệnh nhân không thể đi lại bình thường. Tình trạng co thắt cơ, bầm tím gia tăng. Bệnh nhân phải điều trị từ 3-4 tháng, một số trường hợp phải phẫu thuật nhằm chữa trị dứt điểm.
Theo các chuyên gia, cơ bắp chân được cấu tạo từ hai cơ chính gồm cơ hai bụng chân và cơ dép. Khi cơ bắp chân căng, cơ hai bụng chân hoặc cơ dép sẽ rách do người bệnh hoạt động quá sức. Đây là nguyên nhân chính gây căng cơ bắp chân. Các yếu tố khác gây đau bắp chân gồm:
Đau cẳng chân: Người ở độ tuổi trung niên dễ bị đau đột ngột, dữ dội ở giữa bắp chân do cơ hai bụng chân rách, dịch tích tụ giữa các cơ.
Chuột rút: Tình trạng này khiến người bệnh đau đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn.
Bầm tím bắp chân: Gặp tai nạn hoặc chấn thương khi hoạt động, chơi thể thao có thể gây bầm tím bắp chân.
Cục máu đông: Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một nguyên nhân gây đau bắp chân. Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, các cục máu đông sẽ vỡ, di chuyển đến phổi, đe dọa tính mạng người bệnh.
Tràn dịch khớp gối: Khớp gối tăng dịch bất thường, gây đau, nhức, dẫn đến viêm khớp.
Chấn thương gân Achilles (gân gót chân): Gân Achilles rách có thể gây ra cơn đau cấp tính ở mặt sau mắt cá chân hoặc cẳng chân.
Trường hợp người bệnh đau bắp chân không thuyên giảm cần đi khám. Song hầu hết bệnh nhân đều có thể tự điều trị thành công, không cần phẫu thuật. Dưới đây là một số phương pháp điều trị căng cơ bắp chân.
Nghỉ ngơi: Sau chấn thương, bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ, hợp lý để cơ thể lành lại, tránh hoạt động mạnh.
Chườm đá: Nhằm giảm sưng bắp chân, bệnh nhân có thể chườm đá trong 20 phút, vài lần mỗi ngày. Khi chườm lưu ý không đặt đá trực tiếp lên da.
Thuốc chống viêm: Một số loại thuốc chống viêm có thể giảm đau, viêm trong giai đoạn đầu sau khi gặp chấn thương.
Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh mát xa, tập thể dục nhằm tăng tốc độ hồi phục cơ bắp chân. Với mức độ 1, vết thương của người bệnh sẽ lành sau 7-10 ngày, mức độ hai mất khoảng 4-6 tuần, còn mức độ 3 bệnh nhân cần ba tháng để đi lại bình thường.
Kéo cơ bắp chân: Các động tác kéo giãn bắp chân cơ bản sẽ giúp người bệnh phục hồi chức năng hiệu quả. Trong quá trình tập không nên kéo cơ quá mức hoặc dùng nhiều sức.
Minh Thúy (Theo Very Well Health)