Tối nay 31/12, TP Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước sẽ tổ chức chương trình chào mừng năm mới 2023, trong đó có lễ hội đếm ngược countdown, dự kiến thu hút hàng nghìn người tham gia. Trong tháng 1, người dân cả nước cũng sẽ đón Tết Nguyên đán, nhu cầu vui chơi, tụ tập đông người cao, đặc biệt vào đêm giao thừa. Việc giữ an toàn trong đám đông rất cần thiết.
Bác sĩ Mai Mạnh Tam, Phó trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết các đám đông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là trong sự kiện cuồng nhiệt như lễ hội âm nhạc. Nguy cơ lớn nhất xảy ra trong đám đông là ngạt thở. Mật độ người quá dày đặc sẽ gây đè ép lên lồng ngực, khiến phổi không thể giãn nở được, bị nén chặt dẫn đến ngạt.
Để tránh những sự cố đáng tiếc khi vui chơi tại các sự kiện đông người, bác sĩ Mai Mạnh Tam khuyến cáo người dân cần hiểu rõ các nguy cơ có thể gặp trong đám đông và cách xử trí để đảm bảo an toàn.
Tìm hiểu kỹ về sự kiện
Hầu hết các sự kiện có bán vé được tổ chức an toàn hơn vì ban tổ chức có thể dựa vào số lượng vé bán ra để lên kế hoạch sắp xếp chỗ ngồi cho người tham dự, hạn chế tình trạng chen lấn. Những sự kiện không có chỗ ngồi, tự do vào cửa thường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, vì rất khó kiểm soát số lượng người. Do đó trước khi tham gia một sự kiện, mọi người cần tìm hiểu kỹ xem nó thuộc loại hình nào để cân nhắc nên đi hay không, nếu đi thì cần lường trước trường hợp nguy hiểm để xử trí.
Chú ý đến cách tổ chức sự kiện
Nếu lối vào của sự kiện được tổ chức không theo hàng lối, lộn xộn, chen chúc thì nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn khi có sự cố. Do đó khi nhận thấy sự hỗn loạn ngay từ cổng vào, mọi người nên chủ động tránh những đám đông có mật độ cao. Nếu sự kiện vào cửa tự do, không có ghế ngồi được chỉ định, nên chọn vị trí ít đông đúc nhất kể cả dù phải đứng xa sân khấu.
Liên tục quan sát
Ngay khi ngồi xuống, việc đầu tiên mỗi người cần làm là tìm vị trí lối thoát hiểm gần nhất. Trong quá trình theo dõi sự kiện, vẫn chú ý quan sát tình hình đám đông xung quanh để nhận biết sớm nguy hiểm. Dấu hiệu không an toàn trong đám đông là khi cơ thể không thể cử động thoải mái, bị xô đẩy, không nhìn thấy nhân viên an ninh, bảo vệ trong tầm mắt. Lúc này mỗi người cần rời sang một khu vực khác ít đông hơn càng sớm càng tốt.
Trường hợp không may mắc kẹt trong đám đông, nên thực hiện các lưu ý sau để bảo vệ lồng ngực, cơ quan hô hấp, giảm nguy cơ ngạt khí.

Người dân cần chú ý đảm bảo an toàn khi tham gia các sự kiện đông người. Ảnh: Đình Văn
Đứng tư thế của võ sĩ quyền anh
Bác sĩ Tam khuyên nên đứng với một chân bước lên trước so với chân kia để tạo tư thế vững vàng, chống lại lực đẩy từ xung quanh tốt hơn. Hai tay khoanh trước ngực để tạo không gian cho phổi co giãn. Nếu làm rơi đồ, tuột giày dép, không được cúi xuống nhặt hoặc nhấc một chân lên vì sẽ làm mất thế đứng vững, gây ngã và khiến những người xung quanh ngã theo, rất nguy hiểm.
Không la hét
Bác sĩ Tam nhấn mạnh không khí trong đám đông thường nóng và ngột ngạt, việc la hét liên tục khiến chúng ta tiêu tốn thêm nhiều oxy hơn, mất sức nhanh hơn. La hét dễ tạo phản ứng lan truyền, khiến người xung quanh thêm hoảng loạn, càng chen lấn xô đẩy nhau nhiều hơn. Thay vào đó, cần giữ bình tĩnh, để cơ thể di chuyển tự nhiên theo làn sóng của đám đông, ngẩng đầu lên để tiếp cận nhiều hơn với không khí.
Nằm nghiêng khi bị ngã
Tình huống xấu nhất xảy ra khi một người ngã, những người xung quanh ngã theo có thể dẫn đến thảm họa giẫm đạp. Ngay lúc này, mỗi người hãy cố gắng nằm nghiêng bên trái để bảo vệ tim và phổi, vì nằm ngửa hoặc sấp có thể khiến ngực bị giẫm đạp hoặc đè lên, gây ngạt hoặc tổn thương gãy xương sườn. Hai tay vòng ôm lấy đầu, gập đầu gối chạm vào bụng ngực, khuỷu tay chạm vào đầu gối để tạo thành tam giác bảo vệ ngực và nội tạng.
Bác sĩ Mai Mạnh Tam khuyến cáo việc tham gia sự kiện chào đón năm mới là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên không nên vì quá cuồng nhiệt mà quên nguyên tắc đảm bảo an toàn nơi đông người. Ngoài việc chú ý an toàn đám đông, người dân tham gia các sự kiện về đêm nên mặc đủ ấm, che kín mũi, miệng, cổ và ngực vì đây là khung giờ nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày, không sử dụng rượu bia khi đang ở ngoài trời lạnh vì có thể gây mất nhiệt, nguy hiểm.
Hoài Phạm