Calo là đơn vị đo năng lượng trong thực phẩm. Để duy trì cân nặng, năng lượng nạp vào phải bằng năng lượng tiêu thụ. Người ăn ít calo hơn lượng calo cơ thể đốt cháy thường bị giảm cân. Nếu tiêu thụ calo nhiều hơn mức cần thiết khiến cơ thể lưu trữ năng lượng dư thừa thành mỡ, dẫn đến tăng cân. Với người tiểu đường, việc tính lượng calo ăn uống mỗi ngày đóng vai trò quan trọng, giúp kiểm soát cân nặng, giảm cân hợp lý, kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm nguy cơ xảy ra biến chứng do thừa cân, béo phì.
BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhu cầu calo hàng ngày của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào giới tính, chiều cao, cân nặng, tuổi, mức độ lao động... Cân nặng lý tưởng được xác định dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI). Đây là phương pháp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.
Bác sĩ Ngân hướng dẫn cách tính lượng calo dựa trên cân nặng lý tưởng và nhu cầu năng lượng của từng người.
Bước 1: Tính cân nặng lý tưởng (CNLT)
CNLT = (chiều cao (cm) - 100) x 0,9
Bước 2: Tính nhu cầu năng lượng
Nhu cầu năng lượng dựa trên mức độ lao động
Ở nam giới
Mức độ lao động nhẹ = 30 kcal/kg x CNLT
Mức độ lao động vừa = 35 kcal/kg x CNLT
Mức độ lao động nặng = 45 kcal/kg x CNLT
Ở nữ giới
Mức độ lao động nhẹ = 25 kcal/kg x CNLT
Mức độ lao động vừa = 30 kcal/kg x CNLT
Mức độ lao động nặng = 40 kcal/kg x CNLT
Bước 3: Chọn lựa thực phẩm và chế biến
Nhóm chất dinh dưỡng | Năng lượng cung cấp/1g | Nhu cầu/tổng năng lượng | Có nhiều trong các loại thực phẩm |
Chất tinh bột | 4 kcal | 55-60% | Cơm, bún, phở... |
Chất đạm | 4 kcal | 15-20% | Thịt, cá, trứng, sữa... |
Chất béo | 9 kcal | < 25% | Dầu ô liu, dầu mè... |
Chất xơ | 14-20g/ngày | Không cung cấp năng lượng nhưng làm chậm hấp thu đường vào máu, ngăn cản sự hấp thu cholesterol, phòng táo bón... |
Ví dụ: Một phụ nữ có chiều cao 155 cm, thuộc nhóm có mức độ lao động vừa. Cân nặng lý tưởng là (155 - 100) x 0,9 = 49,5 kg. Nhu cầu năng lượng/ngày là 30 x 49,5 = 1485 calo. Nhu cầu dinh dưỡng của người này được tính như sau:
Chất tinh bột: (1485 x 60%): 4 = 222 g
Chất đạm: (1485 x 20%): 4 = 74 g
Chất béo: (1485 x 20%): 9 = 33 g
Tùy tình trạng đường huyết, tính chất công việc, khi phân chia lượng tinh bột trong bữa ăn, người bệnh tiểu đường có thể không ăn bữa phụ trong ngày... Nếu có bữa phụ, người tiểu đường cần chú ý ăn khoảng 15 g tinh bột tương đương 200 g bưởi, thanh long, ổi hoặc đu đủ. 15 g tinh bột tương đương 300 ml sữa tươi không đường hay một gói ngũ cốc dành cho người tiểu đường. Lượng tinh bột trong một bữa ăn chính bằng tổng số tinh bột theo nhu cầu trong một ngày trừ tinh bột của các bữa phụ và chia ba bữa chính.
Hiện, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Theo bác sĩ Ngân, sự gia tăng này do nhiều yếu tố, một phần bởi lối sống thiếu lành mạnh như bỏ bữa sáng, ăn quá nhiều chất béo, thực phẩm giàu năng lượng và đường tinh bột, ít vận động...
Tiểu đường type 2 là bệnh mạn tính liên quan đến rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipid, đặc trưng bởi tăng đường trong máu. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý bệnh tiểu đường, nên người bệnh cần biết nhu cầu sử dụng năng lượng bao nhiêu một ngày.
Bác sĩ Ngân lưu ý không có chế độ ăn chung cho tất cả người tiểu đường. Mỗi người sẽ có chế độ ăn riêng, tùy vào sở thích, cách dùng thuốc tiêm hay thuốc viên, đặc điểm hấp thu của cơ thể... Không tự ý ăn kiêng mà chưa trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh về lượng calo trong các món ăn phổ biến của Việt Nam hoặc người bệnh có thể tham khảo các tài liệu của Bộ Y tế, WHO.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |