Vào mùa xuân, các tác nhân như phấn hoa, thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết... khiến người bệnh viêm mũi dị ứng. Người bệnh thường xuyên bị ngứa mũi, hắt hơi, nhức đầu, sổ mũi, ho do phổi bị kích ứng. Các triệu chứng thường kéo dài cho đến khi mùa hè bắt đầu.
Với tình trạng dị ứng nhẹ, triệu chứng có thể khỏi trong khoảng 2-3 ngày. Nhưng nếu viêm mũi dị ứng nặng sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Một số cách dưới đây có thể giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng vào mùa xuân.
Tránh xa tác nhân dị ứng: Bạn nên xác định tác nhân gây dị ứng và tránh càng xa các tác nhân này. Vào mùa xuân, khi phấn hoa nhiều hơn bình thường, người bệnh nên hạn chế ra ngoài vào sáng sớm, đeo khẩu trang nếu ra ngoài.
Dùng bình rửa mũi chuyên dụng: Dụng cụ này giúp giảm đau và tắc nghẽn cho những người muốn giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng bằng phương pháp tự nhiên. Bình rửa với nước muối sinh lý có thể làm sạch khoang mũi và khá an toàn nếu dùng đúng cách. Trước và sau khi sử dụng, bạn nên làm sạch dụng cụ bằng nước nóng để tránh nhiễm trùng.
Dùng dung dịch xịt mũi: Người có tiền sử viêm mũi dị ứng nên chuẩn bị sẵn các loại nước muối, nước nhỏ mũi thông dụng. Bạn có thể dùng dung dịch xịt mũi hằng ngày hoặc chuyên dụng khoảng 2 tuần trước khi bước vào mùa xuân. Cách này có thể ngăn ngừa triệu chứng bùng phát. Những loại dung dịch xịt mũi này thường không gây buồn ngủ và không có tác dụng phụ.
Thuốc kháng histamin: Đây là những loại thuốc ưu tiên cho các triệu chứng cơ bản như ngứa, hắt hơi hoặc sổ mũi. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm sử dụng, cách dùng và chuẩn bị thuốc khi mùa xuân bắt đầu. Ngăn ngừa viêm mũi dị ứng khi có một số triệu chứng nhẹ sẽ dễ dàng hơn khi đã chuyển sang giai đoạn nặng.
Thuốc thông mũi: Người bệnh viêm mũi dị ứng cũng có thể dùng thuốc thông mũi trong mùa xuân, nhất là khi có dấu hiệu nghẹt mũi, chảy nước mũi trong. Thuốc thông mũi dạng xịt có thể giảm tắc nghẽn do chất nhầy. Song loại thuốc này không được khuyên dùng cho người bệnh có tiền sử huyết áp cao hay đang gặp các vấn đề về tim. Bạn nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Tiêm ngừa dị ứng: Tiêm phòng dị ứng hay còn gọi là liệu pháp miễn dịch dị ứng được cân nhắc sử dụng khi các loại thuốc không mang lại hiệu quả. Liệu pháp miễn dịch dị ứng giúp giảm độ nhạy cảm của người bệnh với phấn hoa cũng như tác nhân dị ứng bên ngoài.
Anh Chi (Theo Cleveland Clinic)