Với đặc điểm khí hậu của Việt Nam, mùa đông khô lạnh; mưa phùn ẩm ướt vào mùa xuân tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Mùa xuân và mùa hè là thời điểm đơm hoa, phát tán phấn hoa của nhiều loài thực vật. Thời tiết khô lạnh, nấm mốc, phấn hoa đều là những tác nhân gây bệnh dị ứng. Không khí ô nhiễm ở các thành phố lớn cũng góp phần không nhỏ khiến bệnh viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng.
BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà. Viêm mũi dị ứng thường được chia thành các dạng bao gồm:
Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.
Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm.
Triệu chứng
Các triệu chứng thông thường của người mắc viêm mũi dị ứng gồm chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi; đỏ mắt, chảy nước mắt; hắt xì liên tục; có thể cảm thấy khó thở, mệt mỏi. Ở trẻ nhỏ có thể kèm theo khóc nhiều, lười bú, chán ăn và khó ngủ do nghẹt mũi.
Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng cho biết, các triệu chứng viêm mũi dị ứng có thể diễn ra trong khoảnh khắc hoặc kéo dài vài ngày đến cả tuần rồi tự biến mất. Tuy không đặc biệt nghiêm trọng nhưng chúng kéo dài sẽ gây khó chịu, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, nhất là việc ăn, ngủ của trẻ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do cơ thể giải phóng histamin khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Histamin là một chất hóa học tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây dị ứng nhưng nó lại gây viêm mũi dị ứng. Những người có cơ địa dị ứng (nhạy cảm); tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng, người bị hen suyễn, chàm có nguy cơ cao mắc viêm mũi dị ứng.
Các yếu tố gây bệnh viêm mũi dị ứng khác còn bao gồm:
Các yếu tố gây dị ứng trong nhà: bụi; lông chó mèo; lông vải từ quần áo, chăn mền; nước hoa, mỹ phẩm; sữa tắm, xà phòng, nước xả vải; mùi thức ăn, nấm mốc...
Các yếu tố gây dị ứng trong không khí: phấn hoa; lông sâu, bướm; bụi lúa trong mùa gặt; khói, bụi; mùi rác thải...
Các yếu tố gây dị ứng liên quan đến nghề nghiệp: bụi phấn ở trường học; hóa chất trong các nhà máy; sợi vải trong các xưởng may; lông động vật trong các lò mổ; khói hương nhang trong các đền chùa; bụi ximăng trong các nhà máy vật liệu; bụi gỗ trong các xưởng mộc...
Các yếu tố gây viêm mũi dị ứng tiềm ẩn ở mọi nơi nên bệnh này rất dễ tái phát. Người có hệ miễn dịch tốt thì các triệu chứng thường giảm nhẹ hơn.
Chẩn đoán
Theo bác sĩ Thúy Hằng, để xác định bệnh viêm mũi dị ứng có thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng người bệnh thường gặp phải, cộng với yếu tố nghề nghiệp, thời tiết, tiền sử bệnh của gia đình để chẩn đoán.
Đối với các trường hợp cần xem xét kỹ hơn, bác sĩ có thể cho người bệnh làm xét nghiệm để kiểm tra độ châm chích da bằng cách bôi một số chất lên da để xem cơ thể người bệnh phản ứng với từng chất như thế nào. Nếu dị ứng với một chất nào đó, da của người bệnh sẽ xuất hiện dị ứng với một vết đỏ, có thể kèm sưng tấy.
Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (RAST) phát hiện kháng thể IgE có thể được áp dụng để chẩn đoán viêm mũi dị ứng. RAST đo lượng kháng thể immunoglobulin E đối với các chất gây dị ứng cụ thể trong máu của người bệnh.
Biến chứng
Theo bác sĩ Thúy Hằng, viêm mũi dị ứng không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như niêm mạc mũi thoái hóa, phù nề gây nghẹt mũi; các cuốn mũi bị quá phát xen với những polyp; viêm loét vùng tiền đình mũi; viêm họng, viêm phế quản; viêm xoang; viêm tai...
Đối với biến chứng viêm phế quản có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời. Viêm phế quản có thể lan xuống phổi gây viêm phổi, hen phế quản nặng hơn, có thể suy hô hấp, đe dọa tính mạng.
Nếu các triệu chứng của viêm mũi dị ứng chỉ diễn ra ở một vài khoảnh khắc trong ngày, không ảnh hưởng đến việc ăn, uống, sinh hoạt và giấc ngủ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà. Khi các triệu chứng diễn ra lâu dài và lặp lại liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, việc ăn, ngủ, sinh hoạt, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm, tránh việc bệnh kéo dài gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
"Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng này thì cần đến bệnh viện ngay như nghẹt mũi gây khó thở, trẻ bú, ăn kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú; trẻ quấy khóc liên tục, sụt cân, mất ngủ; dị ứng nặng đến mức phù nề, thở khó...", bác sĩ Thúy Hằng lưu ý.
Điều trị
Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng, để chữa viêm mũi dị ứng, tùy theo tình trạng bệnh lý và độ tuổi, bác sĩ có thể áp dụng nhiều cách như:
Thuốc điều trị: dùng các loại thuốc kháng histamin (theo chỉ định của bác sĩ).
Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi: dùng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi có thể giúp giảm ngứa và các triệu chứng liên quan đến dị ứng khác trong thời gian ngắn (theo chỉ định của bác sĩ).
Liệu pháp miễn dịch: những mũi tiêm dị ứng sẽ làm giảm phản ứng miễn dịch với các chất gây dị ứng cụ thể theo thời gian (bác sĩ tiêm tại bệnh viện).
Các biện pháp khắc phục tại nhà: tùy thuộc vào chất gây dị ứng. Nếu bị dị ứng theo mùa hoặc phấn hoa, người bệnh nên tránh xa những nơi có nhiều cây cối; dùng máy hút ẩm hoặc bộ lọc không khí dạng hạt giúp bạn kiểm soát dị ứng khi ở trong nhà. Nếu bạn bị dị ứng với bụi, mạt nhà; hãy giặt tấm trải giường và chăn mền bằng nước nóng trên 55 độ C; đeo khẩu trang khi làm việc nếu bị dị ứng với các tác nhân ở nơi làm việc...
Phòng ngừa
Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng, bác sĩ Thúy Hằng khuyên người lớn, trẻ em nên thực hiện:
Tăng cường miễn dịch: khi miễn dịch yếu, cơ thể rất dễ bị dị ứng. Do đó, tăng cường hệ miễn dịch là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể tránh khỏi viêm mũi dị ứng.
Tránh xa các tác nhân gây dị ứng: khi biết bản thân bị dị ứng với chất gì, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với chất đó. Đeo khẩu trang trong vùng có nguy cơ xuất hiện các chất gây dị ứng là biện pháp phòng vệ tốt cho người bệnh.
Bảo vệ tai mũi họng: tai mũi họng là một hệ thống thông với nhau nên bảo vệ vùng tai và họng tốt sẽ giúp mũi khỏe mạnh, xịt rửa mũi thường xuyên để giảm bớt nguy cơ bị viêm mũi dị ứng nặng hơn.
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý lành tính do các tác nhân gây dị ứng ngoài môi trường gây ra. Bệnh không thể chữa khỏi, nhưng có thể phòng ngừa để giảm bớt các đợt tái phát và điều trị nhằm giảm các triệu chứng khi khởi phát bệnh. Do đó, người bệnh nên chủ động tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây dị ứng, đặc biệt là người có cơ địa nhạy cảm.
Hoàng My