Viêm mũi dị ứng thường xuất hiện vào đầu mùa lạnh hoặc mùa nóng, gây ngứa mũi, hắt hơi liên tục, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi nhiều, dịch nhầy trong. Người bệnh cũng có thể xuất hiện triệu chứng rát bỏng ở kết mạc, vòm họng, uể oải, mệt mỏi, nặng đầu. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần, có khi tái đi tái lại trong nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, nghẹt mũi, phì đại cuốn mũi...
BS.CKI Trần Phương Thanh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh viêm mũi dị ứng cần chú trọng xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để bệnh thuyên giảm nhanh. Người bệnh có thể ưu tiên các loại thực phẩm dưới đây trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Rau, củ quả giàu vitamin C
Vitamin C có nhiều trong ổi, ớt chuông, bông cải xanh, cherry, bưởi, cam... tăng cường sức đề kháng và củng cố hệ miễn dịch. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong các thực phẩm này cũng hỗ trợ chống lại viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
Thực phẩm giàu omega-3
Các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá mòi, cá nục... giúp giảm sưng tấy ở đường hô hấp. Do vậy, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm này vào khẩu phần ăn.
Thực phẩm nhiều kẽm
Kẽm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và giảm viêm rất tốt khi viêm mũi dị ứng. Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu kẽm từ rau củ, đậu, ngũ cốc... vào chế độ ăn hàng ngày.
Gia vị có tính ấm
Một số loại gia vị như hành, gừng, tỏi có tính ấm, chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên. Gia vị như rau mùi, bạc hà... cũng giúp phòng ngừa, cải thiện viêm mũi và viêm mũi xoang. Bạn cũng có thể dùng thêm một số thực phẩm có công dụng bổ phế âm như gạo nếp, táo tàu, củ từ, đường đỏ, nhãn... hỗ trợ giảm triệu chứng và phòng ngừa bệnh.
Người bệnh viêm mũi dị ứng cần hạn chế thực phẩm dễ gây dị ứng (nấm, đào, cần tây, hải sản, nhộng tằm...); đồ ăn cay nóng nhiều ớt, tiêu, mù tạt vì chúng làm tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày, ảnh hưởng đến tai, mũi, họng; đồ uống có cồn vì gây mất nước, làm đặc chất nhầy trong mũi; sữa và các chế phẩm từ sữa khiến tăng tiết chất nhầy, tăng ẩm ướt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển; thực phẩm có chứa chất phụ gia, chất bảo quản (mì chính, benzaldehyde)... có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm mũi dị ứng.
Mọi người nên giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, không hút thuốc lá, tránh khói thuốc, giữ ấm cơ thể khi thời tiết giao mùa... giúp phòng viêm mũi dị ứng tái phát hoặc trở nặng. Gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm hoặc máy điều hòa không khí để làm giảm độ ẩm trong nhà. Nếu các triệu chứng bất thường về tai mũi họng kéo dài trên một tuần không khỏi, người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Thanh chia sẻ thêm, viêm mũi dị ứng có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để xác định rõ tình trạng bệnh và dùng thuốc theo chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc để tránh bệnh tiến triển phức tạp, thậm chí có thể gặp rủi ro do tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc.
Dung Nguyễn