Các vấn đề tiêu hóa khá phổ biến ngày Tết. Triệu chứng và bệnh lý thường gặp như đầy hơi, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày - thực quản, ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa...
BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích nguyên nhân gây ra các vấn đề tiêu hóa ngày Tết chủ yếu do dinh dưỡng mất cân bằng, ăn uống không đúng bữa, thiếu hụt dưỡng chất, lạm dụng rượu bia, ngủ không đủ giấc. Thói quen ăn uống thiếu khoa học như nạp quá nhiều chất đạm, chất béo, uống rượu bia không kiểm soát... cũng khiến dạ dày dễ kích ứng, hệ tiêu hóa làm việc quá tải và sinh bệnh. Dưới đây là một số cách giúp mọi người đón Tết vui khỏe, phòng ngừa các bệnh tiêu hóa.
Ăn nhiều rau xanh, quả tươi
Đây là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa, tăng cường khả năng miễn dịch. Thiếu hụt các dưỡng chất này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa thức ăn, tăng nguy cơ đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
Để duy trì lượng chất xơ cung cấp cho cơ thể trong ngày Tết, gia đình có thể mua rau, củ về rửa sạch, chờ khô ráo, gói trong giấy gói thực phẩm, bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Ăn rau, củ, quả xen kẽ các món nhiều tinh bột, thịt.
Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ
Món ăn nhiều dầu mỡ ngày Tết như bánh chưng, các món thịt nguội, đồ chiên rán... dễ dẫn đến đầy bụng, khó tiêu. Mọi người cần kiểm soát lượng thực phẩm này bằng cách ăn một lượng nhỏ, kèm với rau xanh, quả.
Ăn chín uống sôi
Theo bác sĩ Thành, ăn chín uống nước đun sôi để nguội là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe đường ruột ngày Tết. Bởi các loại gỏi, thịt tái, cá sống, hàu sống... tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng. Chúng dễ gây rối loạn tiêu hóa và phát sinh những biến chứng nguy hiểm.
Không nên trữ thức ăn quá lâu trong tủ lạnh
Thức ăn bị dồn ứ trong tủ lạnh, ăn đi ăn lại là tình trạng thường gặp trong ngày Tết. Tuy nhiên, thức ăn đã qua chế biến có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 1-3 ngày và khác nhau tùy loại thực phẩm. Nếu ăn thực phẩm quá hạn, bảo quản không đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Không uống quá nhiều rượu bia
Rượu bia kích thích niêm mạc ruột, dẫn đến đầy bụng khó tiêu, viêm loét đường ruột nếu uống quá nhiều. Uống rượu bia quá mức cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, tăng cao nguy cơ viêm gan, nặng hơn là suy gan.
Trong ngày Tết, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị mỗi tuần, không quá ba đơn vị mỗi ngày. Nữ giới không quá hai đơn vị mỗi ngày. Một đơn vị tương đương 8-14 g rượu nguyên chất hoặc 270 ml bia hoặc một ly rượu vang 125 ml hoặc một ly rượu mạnh 25 ml.
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa
Giờ giấc sinh hoạt trong những ngày Tết thường bị đảo lộn như thức khuya, dậy sớm, ăn khuya... Điều này khiến tình trạng rối loạn tiêu hóa rất dễ xảy ra bao gồm tiêu chảy, táo bón, ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Theo bác sĩ Thành, cách phòng ngừa bệnh tiêu hóa ngày Tết chủ yếu là kiểm soát tần suất ăn uống và đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Không nhất thiết phải nghiêm khắc đặt ra những quy định dinh dưỡng trong từng bữa ăn nhưng lưu ý không quá nhiều. Hạn chế uống rượu bia và hút thuốc để duy trì sức khỏe tiêu hóa khỏe mạnh trong kỳ nghỉ Tết.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |