Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, để phòng các bệnh lý hô hấp trong thời điểm giao mùa cần thực hiện một số biện pháp sau:
Khi thay đổi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hoặc có sự thay đổi đột ngột, bạn phải luôn giữ cơ thể ấm, đặc biệt là ở vùng cổ, ngực, lưng, bàn chân... Những người có bệnh xoang mãn tính cần giữ vùng mũi kỹ như đeo khẩu trang khi ra ngoài trời lạnh, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong phòng.
Nơi ở phải đảm bảo sự thông thoáng, lưu thông không khí vì khi không khí bị tù túng mà mỗi người sống lâu trong đó dễ bị nhiễm khuẩn và dễ bị viêm đường hô hấp.
Những nơi mùa lạnh có dùng những biện pháp sửi ấm bằng than cũng không nên đóng kín cửa, vì dễ bị ngộ độc khí CO, gây nên những bệnh lý hô hấp nghiêm trọng.
Tuyệt đối không tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây các bệnh đường hô hấp. Đó là sử dụng các loại rượu, bia, thuốc lá, thức uống có cồn hoặc những nơi có khói bụi nhiều như bếp than tổ ong. Không nuôi chó mèo trong nhà, đặc biệt với những người bị hen càng không nên nuôi chó mèo hoặc sử dụng các thảm len trong nhà.
Đảm bảo sự thông thoáng, sạch sẽ nơi ở và thường xuyên vệ sinh hàng ngày để không khí lưu thông tốt. Chế độ ăn uống phải đảm bảo đầy đủ các nhóm chất bột, đường, đạm và nhiều loại vitamin. Các thức ăn tốt với hệ hô hấp là những loại đạm từ trứng, sữa, cá...; rau xanh như bông cải xanh, củ quả cam, táo... Khẩu phần ăn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ đường, đạm, vitamin gọi là những chất tăng cường miễn dịch cũng như các yếu tố vi lượng, giúp cho cơ thể có thể chống đỡ bệnh tật.
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, giữ cho cơ thể khỏe mạnh sạch sẽ, vệ sinh răng miệng. Khi có các bệnh lý về mũi - họng cần phải được thăm khám, điều trị triệt để, tránh những biến chứng xuống đường hô hấp dưới.
Để tránh các bệnh hô hấp như viêm phổi hay những đợt cấp của bệnh phổi mãn tính, đợt cấp của hen phế quản cần phải tiêm vaccine phòng cúm. Ở Việt Nam, hai đỉnh điểm của cúm vào đợt tháng 3, 4 và 9, 10, người lớn, trẻ em nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm vào đầu mùa thu và đầu mùa xuân, thường là trước đỉnh điểm của cúm vài tuần hoặc một tháng.
Người lớn, trẻ nhỏ nên tiêm vaccine phòng phế cầu, đặc biệt với người trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính như hen phế quản, giãn phế quản... Hiện tại, chỉ cần tiêm vaccine phòng phế cầu một lần trong đời, tiêm các loại vaccine khác trong khuyến cáo, vaccine Covid-19 giúp phòng virus cúm, phế cầu hay virus SARS-CoV-2...; hạn chế khởi phát các đợt cấp của bệnh mãn tính.
Những người có bệnh mãn tính phải duy trì điều trị thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là người bị hen phế quản, bệnh hen, tắt nghẽn phổi mãn tính. Những người này khi được điều trị thường nghĩ đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ thuốc. Điều này sẽ làm khởi phát những đợt cấp và đợt cấp này thường nặng, buộc phải nhập viện. Có những đợt cấp đe dọa tính mạng, do đó phải duy trì thuốc điều trị do bác sĩ hô hấp đã kê đơn, đồng thời tái khám thường xuyên. Bệnh nhân đừng vì tâm lý sợ Covid-19 như hiện tại mà đến tái khám muộn sẽ dễ dẫn đến nguy cơ làm cho bệnh nặng lên, khó khăn hơn trong điều trị.
Ngoài ra, bạn có thể gọi điện cho bác sĩ điều trị của mình khi có những dấu hiệu hô hấp bất thường. Nếu có thể bạn nên đến khám bệnh viện để tránh những biến chứng về lâu dài.
Thư Kỳ