Chóng mặt là tình trạng rất phổ biến và thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, chóng mặt mạn tính hoặc dữ dội có thể là dấu hiệu là nhiều bệnh nguy hiểm. Nếu bạn bị chóng mặt dữ dội, đột ngột kéo dài hơn 15 phút thì nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Dưới đây là những nguyên nhân và triệu chứng cần lưu ý khi chóng mặt.
Đột quỵ
Đột quỵ do cục máu đông hoặc sự tích tụ mảng bám chặn dòng máu đến một phần của não. Điều này có thể gây ra một loạt các triệu chứng thần kinh như chóng mặt, đau đầu dữ dội, khó nói, tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân...
Người bị đột quỵ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ khám sức khỏe, có thể chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán đột quỵ. Thuốc có thể được dùng để làm tan cục máu đông chặn động mạch. Nếu cần thiết bác sĩ có thể phẫu thuật. Quá trình điều trị chính xác phụ thuộc vào từng cá nhân.
Bệnh tim
Mặc dù nhiều người thường không nghĩ rằng tim ảnh hưởng đến nhận thức thị giác, nhưng một số bệnh tim có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, gây chóng mặt. Ví dụ, rối loạn nhịp tim xảy ra khi tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, có khả năng khiến người bệnh chóng mặt vì não không nhận đủ máu. Các triệu chứng phổ biến khác của rối loạn nhịp tim bao gồm nhịp tim không đều, tức ngực, khó thở, đổ mồ hôi... Nếu nghi ngờ rối loạn nhịp tim, bạn nên đi khám bác sĩ ngay vì bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm như điện tâm đồ. Sau đó, bác sĩ có thể kê thuốc, hướng dẫn các biện pháp thay đổi lối sống như không uống rượu, không hút thuốc, ăn uống cân bằng và đủ chất. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể được phẫu thuật.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Chóng mặt tư thế lành tính gây ra các cơn chóng mặt từ nhẹ đến dữ dội do có những thay đổi ở các vị trí cụ thể trong não, chủ yếu xảy ra khi bạn thay đổi tư thế (như ngẩng đầu lên hoặc xuống, nằm xuống, khi lật người hoặc ngồi dậy trên giường...). Chóng mặt có thể chỉ xảy ra trong khoảng vài phút, nhưng chúng có khả năng tái diễn nếu các chuyển động kích hoạt được lặp đi lặp lại. Các triệu chứng của tình trạng này như mất thăng bằng, buồn nôn, nôn mửa.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính không nguy hiểm nhưng nếu thường xuyên xảy ra sẽ ảnh hưởng đến công việc, học tập, chất lượng cuộc sống. Người thường xuyên bị chóng mặt nghiêm trọng nên thăm khám bác sĩ.
Đau nửa đầu tiền đình
Nếu bạn bị các cơn chóng mặt nghiêm trọng lặp đi lặp lại kèm theo cảm giác chóng mặt và nhạy cảm với chuyển động, bạn có thể bị chứng đau nửa đầu tiền đình. Đau đầu, nhạy sáng, buồn nôn, nôn mửa, nhìn thấy hào quang... là các triệu chứng khác của đau nửa đầu tiền đình.
Người có tiền sử đau nửa đầu và bị chóng mặt không rõ nguyên nhân nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể kê thuốc cùng các phương pháp trị liệu khác. Người bệnh cũng nên chú ý đến thói quen sinh hoạt như tránh thức uống có caffein, căng thẳng vì đây là các tác nhân tiềm ẩn dẫn đến đau nửa đầu.
Nhiễm trùng
Từ nhiễm trùng tai do vi khuẩn dẫn đến các tình trạng thường do virus gây ra như viêm mê đạo, viêm dây thần kinh tiền đình, nhiễm trùng có thể làm rối loạn tai trong. Khi điều này xảy ra, bạn có thể mất thăng bằng và cảm thấy chóng mặt. Các triệu chứng thườn gặp khác của nhiễm trùng tai bao gồm mất thính lực, áp lực trong tai, đau tai, ù tai, chất lỏng hoặc mủ chảy ra từ tai, sốt. Trẻ em có thể quấy khóc, bỏ bú. Thông thường, nhiễm trùng tai gây đau tai, sốt, chóng mặt đột ngột.
Nếu bạn nghi ngờ nhiễm trùng tai, nhất là khi cơ thể có tình trạng suy giảm miễn dịch thì nên điều trị sớm. Nhiễm trùng tai không được điều trị có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, dẫn đến mất thính giác.
Nhiễm trùng tai do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đối với các bệnh nhiễm trùng như viêm mê đạo thường do virus, bác sĩ thường chỉ định nghỉ ngơi và theo dõi. Thuốc đôi khi có thể được sử dụng để giảm chóng mặt. Tuy nhiên, nhiễm trùng tai có thể tự cải thiện sau vài ngày đến vài tuần.
Kim Uyên
(Theo Insider)