Suy hô hấp
Ung thư phổi có thể gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng. Khi khó thở, cơ thể bắt đầu sử dụng các cơ phụ để hỗ trợ thở. Người bệnh có thể cảm thấy như cơ cổ thắt chặt khi hít vào, thở ra. Nếu thấy hơi thở thay đổi đột ngột, chẳng hạn như gắng sức nhiều hơn, khó thở (thở gấp), cảm giác nghẹt thở, hoảng sợ hoặc thở nhanh, bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần đếm số nhịp thở mỗi phút. Một người trưởng thành không hoạt động thể chất nên hít thở trung bình khoảng 12-18 nhịp mỗi phút, nhịp hô hấp trên 24 là dấu hiệu của tình trạng suy kiệt.
Suy hô hấp cũng có thể gây ra các dấu hiệu thiếu oxy (oxy thấp), bao gồm: tím tái (da và môi đổi màu hơi xanh); chóng mặt hoặc choáng váng; lú lẫn; cảm giác ngất xỉu.
Ung thư phổi cản trở hơi thở của người bệnh vì nhiều lý do. Khi các tế bào ung thư nhân lên, chúng có thể phát triển thành mô phổi khỏe mạnh và gây viêm. Một số phương pháp điều trị ung thư phổi cũng có thể gây viêm.
Việc thở có thể gây mệt mỏi khi bệnh nhân gắng sức trong khi cố khắc phục tình trạng tắc nghẽn đường thở do các tế bào ung thư và viêm nhiễm gây ra. Các biến chứng ung thư phổi khác, bao gồm thuyên tắc phổi, tràn khí màng phổi cũng có thể dẫn đến cấp cứu hô hấp.
Ho ra máu
Ho ra máu là một hiện tượng y tế khẩn cấp. Nó có thể báo hiệu tình trạng mất máu, dẫn đến hạ huyết áp và ngất xỉu. Máu rò rỉ trong phổi có thể đông lại trong phế quản (đường dẫn khí) hoặc phế nang (túi khí), có khả năng cản trở quá trình trao đổi oxy, carbon dioxide khi thở. Thông thường, ho ra máu không gây đau đớn, nhưng đôi khi ho dữ dội cũng có thể kèm theo đau tức ngực.
Ung thư phổi có thể xâm lấn các mạch máu và mô trong phổi, khiến chúng bị chảy máu, đôi khi rất nhiều. Ung thư phổi di căn có thể lây lan đến các khu vực như khí quản hoặc thực quản, dẫn đến ho ra máu giống như từ phổi và nguy hiểm không kém.
Đau ngực
Đau phổi và đau ngực có thể do nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi hoặc bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào về tim, phổi. Những vấn đề này có thể đi kèm với suy hô hấp, chóng mặt, lú lẫn, lo lắng nghiêm trọng hoặc mất ý thức.
Đau ngực có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau khi người bệnh mắc ung thư phổi, bao gồm: cảm giác tức ngực như ai đó bóp vào ngực từ bên trong; đau sâu hoặc cảm thấy như dao đâm; có gì đó khi bạn hít thở sâu hoặc thay đổi tư thế; liên tục đau đớn.
Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực liên quan đến ung thư phổi, chẳng hạn như: di căn vào xương sườn hoặc ngực; hội chứng đau sau phẫu thuật cắt xương do phẫu thuật ung thư phổi; đau ngực tràn dịch màng phổi do có dịch trong phổi.
Thay đổi tinh thần
Thay đổi trạng thái tinh thần có thể là một trường hợp khẩn cấp đối với những người bị ung thư phổi. Thay đổi hành vi và mức độ ý thức có thể gây ra một số tác động khác nhau, thường là mơ hồ, thiếu tập trung.
Các triệu chứng có thể bao gồm: lú lẫn, nhìn chằm chằm vào không gian hoặc không phản hồi, ngủ quá nhiều, căng cứng hoặc giật cơ thể, kích động hoặc nóng nảy, ảo giác, giảm mức độ ý thức. Tuy nhiên, người trải qua những trạng thái này thường không nhận thức được vấn đề.
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy không còn là chính mình, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu bạn ở cùng ai đó và phát hiện sự thay đổi trong hành vi hoặc mức độ cảnh giác, hãy tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp cho họ ngay lập tức.
Có nhiều cách mà ung thư phổi có thể làm thay đổi trạng thái tinh thần. Ung thư phổi có thể di căn lên não, gây chèn ép, đe dọa mô não khỏe mạnh hoặc thoát vị não (một phần não bị đẩy ra khỏi hộp sọ, xuống tủy sống).
Điều trị ung thư phổi cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, một bệnh nhiễm trùng toàn thân nặng dẫn đến trạng thái thường xuyên nhầm lẫn và thay đổi tính cách. Viêm não do điều trị bức xạ, hóa trị hoặc nhiễm trùng não cũng có thể gây ra những trạng thái tâm thần.
Mức oxy thấp hoặc lượng carbon dioxide cao do tổn thương phổi cũng có thể dẫn đến suy giảm chức năng não. Ngoài ra, ung thư phổi làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Ngất xỉu hoặc choáng váng nặng
Hoa mắt, chóng mặt và ngất xỉu có thể xảy ra đột ngột với người bệnh ung thư phổi. Ngất xỉu cũng có thể là dấu hiệu của một số biến chứng ung thư phổi khác nhau. Một số vấn đề gây ngất xỉu có thể cần hỗ trợ hô hấp bằng cách đặt nội khí quản (đặt ống thở).
Dấu hiệu cảnh báo một người sắp ngất gồm: đổ mồ hôi, lú lẫn, chóng mặt, khó giữ thăng bằng, buồn nôn, run rẩy, cảm giác như căn phòng quay cuồng, cả người yếu rũ rượi.
Ung thư phổi và bệnh tim có thể khiến người bệnh ngất xỉu. Oxy thấp, mất máu, ho ra máu, di căn não là các biến chứng ung thư phổi có thể dẫn đến ngất xỉu. Các vấn đề về trao đổi chất như, canxi, natri, kali thấp hoặc cao, có thể phát triển do di căn và có thể ảnh hưởng đến mức độ ý thức của người bệnh.
Sưng tấy
Sưng ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể có thể là dấu hiệu của phù nề (tích tụ chất lỏng), các vấn đề về lưu lượng máu hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Những vấn đề này có thể báo hiệu tác động xấu đi nhanh chóng của bệnh ung thư phổi.
Sưng do ung thư phổi có thể biểu hiện bằng: bọng một bên cánh tay; sưng hoặc đỏ mặt, môi, mắt; sưng đầu, cổ, mặt và phần trên ngực; thở khò khè; hụt hơi.
Hội chứng tĩnh mạch chủ trên là tình trạng tĩnh mạch ở cổ bị tắc nghẽn do áp lực từ sự di căn của ung thư. Máu không thể trở về tim từ đầu, mặt và cổ đến tim, dẫn đến sưng tấy các vùng này.
Người bệnh cũng có thể bị phản ứng với thuốc, có thể gây ra sốc phản vệ hoặc phù mạch. Điều này có thể gây sưng tấy, đặc biệt là mặt, có thể kèm theo thở khò khè và khó thở.
Yếu cơ, vấn đề về cảm giác
Đột ngột yếu hoặc giảm cảm giác của cánh tay, chân, một bên cơ thể có thể báo hiệu ung thư phổi di căn đến tủy sống. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tê liệt vĩnh viễn và không kiểm soát. Điều trị ngay lập tức, thường bằng liều steroid rất cao, có thể giúp giảm tác động lâu dài của việc chèn ép tủy sống.
Các triệu chứng khác mà người bệnh có thể gặp phải gồm: đau lưng, cổ hoặc áp lực; tê, ngứa ran hoặc cảm giác bất thường ở cánh tay, chân; mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang. Hội chứng chùm đuôi ngựa (equina cauda) là sự chèn ép của các rễ thần kinh cột sống ở phần thấp nhất của tủy sống. Điều này ảnh hưởng đến chức năng ruột, bàng quang và chân.
Sốt
Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng, di căn não hoặc có thể là tác dụng phụ của hóa trị. Người bệnh ung thư phổi khi được điều trị bằng hóa trị có thể làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
Ngoài sốt, bệnh nhân cũng có thể bị ớn lạnh, đổ mồ hôi; buồn nôn hoặc giảm cảm giác thèm ăn; hôn mê; run rẩy; nhịp tim nhanh. Người bệnh ung thư phổi còn có thể bị hạ thân nhiệt. Đôi khi nhiệt độ cơ thể có thể dao động giữa nhiệt độ cao (trên 38 độ C) và nhiệt độ thấp (dưới 36 độ C).
Châu Vũ (Theo Verywellhealth)