Bác sĩ Lã Quý Hương, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chức năng phổi có thể hồi phục một phần sau khi ngừng hút thuốc. Chế độ sinh hoạt lành mạnh, quá trình làm sạch và phục hồi phổi được thúc đẩy nhanh hơn khi áp dụng những cách dưới đây.
Ho chủ động
Ho là phản xạ có lợi để tống xuất dị vật, làm thông thoáng đường thở. Với người hút thuốc lá nhiều năm, chất nhầy tích tụ trong phổi do niêm mạc đường thở bị phá hủy. Sau khi bỏ thuốc lá, niêm mạc phục hồi và phản xạ ho xuất hiện nhiều hơn, giúp cơ thể loại bỏ chất nhầy dư thừa, làm thông đường thở. Tùy thuộc vào khối lượng độc chất trong phổi, triệu chứng ho có thể kéo dài vài ngày đến vài tháng.
Các cơn ho sau khi bỏ thuốc lá thường vô hại, tuy nhiên lại gây nhiều khó chịu. Uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày để tránh làm nặng thêm tình trạng ho. Nước có tác dụng làm mát cơ thể, dịu cổ họng. Uống từng ngụm nhỏ, giữ cho cổ họng luôn ẩm để hạn chế cơn ho. Người bỏ hút thuốc lá cũng có thể thay thế nước lọc bằng nước ép trái cây, nước khoáng hoặc trà thảo mộc.
Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc
Hút thuốc thụ động hay sử dụng thuốc lá điện tử đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người cai hút thuốc lá nên nhắc nhở người xung quanh không hút thuốc hoặc di chuyển ra khu vực không có khói thuốc. Đổi địa điểm ăn uống, quán cà phê, nhà hàng quen thuộc để hạn chế nguy cơ hút thuốc theo thói quen, giúp cai thuốc dễ dàng.
Tiêm phòng
Thời gian hút thuốc lâu, nguy cơ tổn thương phổi lớn. Khi phổi suy yếu, tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập và tấn công phổi. Bác sĩ Hương khuyên người bỏ hút thuốc lá nên chủ động tiêm vaccine cúm, phế cầu, ho gà để nâng cao khả năng miễn dịch, hạn chế nguy cơ biến chứng hô hấp khi mắc bệnh. Người bỏ thuốc lá cũng tránh tiếp xúc với người mắc bệnh đường hô hấp, người có triệu chứng sổ mũi, ho để hạn chế nguy cơ lây bệnh. Vệ sinh tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay khi mới ra ngoài về.
Tránh xa nguồn ô nhiễm không khí
Theo bác sĩ Hương, người hút thuốc lá lâu năm có thể bị tổn thương vĩnh viễn ở phổi như phế khí thũng (phế nang bị phá hủy, làm giảm diện tích bề mặt của phổi, giảm trao đổi lượng oxy mà cơ thể cần) và viêm phế quản mạn tính. Các tình trạng này có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tiếp xúc nhiều với các yếu tố ô nhiễm không khí như bụi mịn, khí độc hại, mùi hương thơm... có thể làm khởi phát đợt cấp của bệnh COPD.
Hút bụi nhà thường xuyên, sử dụng máy lọc không khí trong gia đình giúp làm sạch không khí chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hương thơm và chất kích thích. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và hạn chế tiếp xúc gần với khu vực phát tán bụi, khí gây ô nhiễm.
Chế độ ăn giàu chất oxy hóa
Ăn nhiều rau quả, nhất là rau lá xanh, quả mọng và các thực phẩm khác giàu chất chống oxy hóa có thể bảo vệ phổi khỏi một số tổn thương do hút thuốc, ô nhiễm không khí.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có hiệu quả cải thiện chức năng phổi, giảm sự chú ý vào cảm giác thèm nicotine khi cai thuốc. Người nghiện thuốc lá lâu năm, phổi bị tổn thương, nên chọn các bài tập thể dục vừa sức để tránh tái phát các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính. Một số môn thể thao có lợi gồm đi bộ, yoga, đạp xe...
Khuê Lâm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |