Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh hô hấp mạn tính, xảy ra khi đường thở bị hẹp do co thắt, phù nề, tiết chất nhầy gây ho, khò khè, khó thở, tức ngực... Triệu chứng có thể thay đổi theo từng đợt bệnh, nhất là khi giao mùa, ban đêm, sáng sớm. Các dạng bệnh thường gặp như hen suyễn dị ứng, hen suyễn không liên quan dị ứng, hen suyễn dạng ho, hen liên quan đến gắng sức, hen phế quản khởi phát muộn...
TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, Đơn vị Hô hấp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết hen suyễn thường tái lại nhiều lần và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh cần khám và điều trị kịp thời, tránh để lâu làm giảm chức năng hô hấp mạn tính.
Mục tiêu điều trị hen phế quản là kiểm soát triệu chứng, làm chậm tốc độ suy giảm chức năng hô hấp, ngăn ngừa các đợt cấp, giảm nguy cơ biến chứng, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Tùy vào tình trạng người bệnh mà bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp.
Tránh yếu tố dị ứng nguyên
Các yếu tố dị ứng nguyên có thể là nguyên nhân khiến hen khó kiểm soát hoặc là yếu tố khởi phát cơn hen cấp. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh tránh lông thú cưng, mạt nhà (thường có trong ga trải giường, gối, rèm cửa, thảm...). Ngoài ra, một số yếu tố không phải dị ứng nguyên nhưng có thể kích thích cơn hen như khói thuốc lá, mùi nồng, nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, không khí ẩm thấp...
Với người bị hen gắng sức, hoạt động thể lực quá mức hoặc stress cũng có thể là nguyên nhân khởi phát cơn hen hoặc làm bệnh khó kiểm soát. Một số loại thuốc như aspirin hoặc thuốc ức chế beta cũng có thể liên quan đến bệnh hen, cần được tránh theo khuyến cáo của bác sĩ.
![Bác sĩ Mai Khuê khám chức năng hô hấp cho người bệnh hen phế quản. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/image001-1739518997-7021-1739519097.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oXq1xcHzFN_ycbH0klXcEA)
Bác sĩ Mai Khuê khám chức năng hô hấp cho người bệnh hen phế quản. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Dùng thuốc điều trị hen
Hầu hết người bệnh hen phế quản được điều trị bằng biện pháp dùng thuốc. Tùy nguyên nhân gây hen, biểu hiện triệu chứng, mức độ nặng, thể trạng, bệnh nền kèm theo, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc dạng hít, dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Một số loại thuốc thường dùng như giãn cơ trơn phế quản, kháng sinh, chống viêm, chống dị ứng, an thần, giảm đau, long đờm... Các thuốc đường tĩnh mạch hay dạng phun khí dung được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp nặng hoặc có bội nhiễm phổi.
Thở máy
Trường hợp nặng, người bệnh gặp khó khăn khi hô hấp hoặc nồng độ oxy thấp dù có thở oxy, cần thở máy. Mục đích là cung cấp đủ lượng oxy cần thiết, giảm triệu chứng của bệnh và đảm bảo hoạt động sống của cơ thể trước khi tiếp tục các bước điều trị khác.
Nhiệt chỉnh phế quản (Bronchial Thermoplasty)
Phương pháp này thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp người bị hen phế quản nặng. Bác sĩ đưa một ống mềm, mỏng qua họng và đi vào phổi của người bệnh. Sau đó, nhiệt từ thiết bị (dưới dạng năng lượng tần số vô tuyến) tác động vào các cơ xung quanh đường thở giúp giảm tình trạng hẹp đường thở, từ đó cải thiện triệu chứng hen phế quản. Tuy nhiên phương pháp điều trị này chưa phổ biến.
Liệu pháp điều trị bổ sung
Liệu pháp điều trị bổ sung như thực hiện các bài tập hít thở, yoga hoặc các bài tập thể dục tác động lên hệ hô hấp theo hướng dẫn giúp tăng cường sức khỏe hệ hô hấp. Đồng thời bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng khoa học cho người bệnh, có thể bổ sung thực phẩm chức năng phù hợp...
Người bị hen phế quản cần tuân thủ chỉ định điều trị, lịch trình tái khám để bác sĩ có thể theo dõi chức năng phổi, kịp thời thay đổi hướng kiểm soát cơn hen. Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh cách tự xử trí khi triệu chứng gia tăng, khi nào cần khám sớm. Người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có nguy cơ nhiễm khuẩn phế quản, tràn khí màng phổi, tổn thương nhu mô phổi, suy hô hấp cấp tính, thậm chí tử vong.
Khi xuất hiện triệu chứng như khó thở, thở khò khè, ho hay tức ngực, người bệnh cần sử dụng thuốc giãn phế quản được chỉ định để cắt cơn khó thở cấp. Nên ngồi nghỉ ở chỗ thoáng mát, tránh xa nơi đông người. Nếu sau 1-2 lần sử dụng thuốc mà không giảm khó thở, người bệnh nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Giảm nguy cơ xảy ra đợt hen cấp bằng cách tiêm ngừa vaccine theo khuyến cáo như vaccine cúm mùa, Covid-19, viêm phổi, RSV...
Bác sĩ Khuê khuyến cáo người bị hen phế quản tránh tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Đeo khẩu trang che miệng, mũi khi ra ngoài giúp giảm nguy cơ nhiễm virus gây bệnh hô hấp. Người bệnh duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, không ăn thực phẩm có tiền sử dị ứng.
Trường Giang
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |