Trả lời:
Hôi miệng rất phổ biến với khoảng 30% dân số mắc phải. Theo một số nghiên cứu y học, hơn 80% trường hợp hôi miệng là xuất phát từ bên trong khoang miệng, đặc biệt là từ bề mặt lưỡi. Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân như: viêm xoang, viêm mũi, bệnh về tiêu hóa, xơ gan... Việc thường xuyên ăn những loại thực phẩm nặng mùi như: tỏi, hành, tiêu... cũng dẫn tới tình trạng hơi thở có mùi.
Để khắc phục nhanh tình trạng hôi miệng, bạn có thể tham khảo một số cách chữa tại nhà như: thường xuyên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa florua để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn và mảng bám. Bạn nên sử dụng bàn chải có lông mềm, đánh răng đúng kỹ thuật, thay bàn chải 3 tháng một lần, đánh răng sau ăn 30 phút, không ăn sau khi đánh răng vào buổi tối.
Bạn nên sử dụng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý để làm sạch khoang miệng (nên súc vào buổi sáng và tối vì đây là khoảng thời gian vi khuẩn hoạt động mạnh nhất); làm sạch lưỡi để hạn chế tối đa mảng bám từ thức ăn - điều kiện khiến vi khuẩn phát triển; uống đủ nước để tránh bị khô miệng; ăn uống khoa học, hạn chế ăn những thức ăn nặng mùi, không hút thuốc lá; khám nha khoa định kỳ và lấy cao răng 2 lần một năm để hạn chế mảng bám trên răng gây hôi miệng.
Đối với trường hợp hôi miệng do bệnh lý, bệnh nhân nên điều trị dứt điểm bệnh lý. Trường hợp nếu hơi thở hôi không biến mất sau khi tự điều trị trong vài tuần, xuất hiện đau, chảy máu hoặc sưng nướu răng, tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ để thăm khám, điều trị kịp thời.
BS.CK1 Trần Phương Thanh
Khoa Tai mũi họng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội