Loãng xương là tình trạng suy giảm tỷ trọng khoáng chất của xương, biến đổi cấu trúc xương, làm cho xương mỏng và yếu đi. Lúc này, người bệnh có thể dễ dàng bị gãy xương dù chỉ với một chấn thương nhẹ, hoặc thậm chí là tàn phế. Loãng xương không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng nếu thực hiện các biện pháp dự phòng, tăng cường sức mạnh cho xương từ sớm sẽ làm chậm quá trình loãng xương, ngăn ngừa biến chứng. Người cao tuổi và phụ nữ mãn kinh là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh cho biết, khi bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với các vấn đề như thiếu hụt nội tiết tố estrogen, giảm tiết hormone cận giáp làm tăng tiết canxi qua thận, giảm hấp thu canxi ở ruột... dẫn đến loãng xương. Trong khoảng 5 - 10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có thể mất đến 24% tổng khối lượng xương. Sự mất xương chủ yếu xảy ra ở xương xốp và thường gây lún gãy các đốt sống, gãy đầu dưới xương quay.
Vì vậy, chị em phụ nữ nên sớm có kế hoạch phòng ngừa và làm chậm quá trình loãng xương. Một số biện pháp có thể thực hiện bao gồm:
Tập thể dục thường xuyên: Thói quen này giúp xương và cơ bắp chắc khỏe hơn, ngăn ngừa tình trạng mất xương. Đi bộ, chạy bộ, chơi tennis, khiêu vũ... là những bài tập phù hợp. Ngoài ra, các bài tập sức mạnh và giữ thăng bằng cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt trong phòng tránh té ngã, từ đó giảm nguy cơ gãy xương. Chị em phụ nữ nên tập luyện 3-4 lần mỗi tuần.
Tăng cường canxi: Tùy thuộc vào nguy cơ mắc loãng xương mà phụ nữ cần cung cấp cho cơ thể 1.000 - 1.200 mg canxi mỗi ngày. Lượng canxi này có thể được tìm thấy trong sữa và các chế phẩm từ sữa, cá cá hồi, cá mòi...các loại rau lá xanh đậm (cải xoăn, bông cải xanh...). Canxi còn có thể được bổ sung bằng cách dùng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều khoáng chất này sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Vì vậy, chị em phụ nữ nên gặp bác sĩ để được tư vấn.
Bổ sung vitamin D: Cơ thể chúng ta cần vitamin D để hấp thu canxi. Thông thường, tắm nắng khoảng 20 phút mỗi ngày sẽ cung cấp được đủ lượng vitamin D cần thiết. Ngoài ra, vitamin D còn có thể được tìm thấy trong trứng, cá hồi, ngũ cốc, sữa tăng cường vitamin D...
Sử dụng thuốc: Hầu hết các thuốc bisphosphonate đường uống đều có thể được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng loãng xương ở người có nguy cơ gãy xương cao. Nếu gặp phải các vấn đề sức khỏe khác, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc vì một số loại thuốc như steroid, thuốc chống co giật, thuốc chống đông máu, thuốc tuyến giáp... có thể làm tăng tỷ lệ mất xương.
Bổ sung estrogen: Đây là hormone được sản xuất ở buồng trứng, giúp chống lại tình trạng mất xương. Tuy nhiên, lượng hormone này sẽ bị suy giảm nghiêm trọng khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Do đó, các liệu pháp bổ sung hoặc thay thế lượng estrogen mất đi sẽ giúp làm chậm quá trình mất xương, cải thiện khả năng hấp thu và giữ canxi của cơ thể. Tuy nhiên, những liệu pháp này chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của bác sĩ vì nguy cơ mang đến một số tác dụng phụ không mong muốn.
Lối sống lành mạnh: Hạn chế rượu bia và không hút thuốc. Theo đó, uống quá nhiều rượu bia sẽ làm hỏng xương, trong khi hút thuốc khiến cơ thể sản xuất ít estrogen hơn, tất cả những điều này đều làm tổn thương xương.
Bác sĩ Thúy Vân nhấn mạnh, loãng xương ở phụ nữ là một tình trạng phát triển trong âm thầm và thường bùng phát sau khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Vì vậy, chị em phụ nữ nên sớm xây dựng lối sống lành mạnh để làm chậm quá trình phát triển của bệnh loãng xương, đồng thời cần thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh; từ đó ngăn ngừa nguy cơ té ngã và các biến chứng có thể xảy ra.
Phi Hồng