Quá trình lành xương có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm tuỳ thuộc vào loại chấn thương. Hầu hết các hệ thống của cơ thể sẽ tham gia vào quá trình chữa lành vết thương, các tế bào và mô tăng sinh, giải phóng hormone, axit amin hay các chất chống oxy hóa hoạt động mạnh mẽ để chữa lành. Thời gian hồi phục có thể giảm đáng kể nếu có sự bổ sung dưỡng chất, tập luyện hợp lý.
Bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất
Xét về mặt trọng lượng, 70% xương là khoáng chất như canxi, photpho, magie, kẽm... Việc chữa lành các vết gãy, nứt xương đòi hỏi nguồn cung dồi dào các khoáng chất này. Bên cạnh đó, nếu các khoáng chất đóng vai trò liên kết, chữa lành tổn thương thì các loại vitamin đóng vai trò là chất xúc tác cho các phản ứng sinh hoá diễn ra, đặc biệt là vitamin C, D và K. Bạn có thể bổ sung khoáng chất, vitamin thông qua các loại thực phẩm chức năng (có sự tư vấn của bác sĩ).
Tăng cường protein
Hơn một nửa thành phần của xương là protein. Say khi bị gãy xương, việc bổ sung protein rất quan trọng để giảm các biến chứng, rút ngắn giai đoạn hồi phục và giảm thiểu tình trạng mất xương khi vết gãy lành lại.
Các chuyên gia khuyên người bị chấn thương nên bổ sung protein từ thực vật như đậu nành, đậu lăng, hạnh nhân và hạt quinoa vào chế độ ăn uống. Nguồn protein này không tạo ra môi trường axit cao trong cơ thể như protein từ động vật.
Protein được tạo thành từ các axit amin, có thể kể đến như lysine, arginine, proline, glycine, cystine và glutamine. Trong đó, lysine có thể giúp tăng cường hấp thụ canxi cho xương và hỗ trợ tái tạo mô.
Tăng các dưỡng chất kháng viêm
Tình trạng gãy xương thường sẽ tạo ra một lượng lớn các gốc tự do, áp đảo cơ chế bảo vệ chống oxy hoá tự nhiên của cơ thể. Trong trường hợp này, các chất chống oxy hoá như vitamin E, C, lycopene và axit alpha-lipoic có thể mang lại nhiều lợi ích. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, các chất chống oxy hoá đẩy nhanh tốc độ chữa lành gãy xương bằng cách ức chế các yếu tố gây viêm cũng như quá trình phá huỷ các gốc tự do trong cơ thể.
Người bị gãy xương nên bổ sung các loại quả mọng như dâu tây, việt quất giàu chất chống oxy hoá vào chế độ ăn, tăng cường rau xanh cũng như thêm omega-3 để đẩy nhanh tốc độ hồi phục xương. Các thực phẩm này sẽ hạn chế quá trình sản xuất các gốc tự do gia tăng trong giai đoạn gãy xương.
Tránh sử dụng aspirin và ibuprofen
Các tế bào bị tổn thương do gãy xương sẽ giải phóng một lượng lớn prostaglandin gây viêm tại vị trí gãy. Tình trạng viêm gây ra cảm giác đau đớn và khiến nhiều người bệnh sử phải sử dụng đến các loại chất giảm đau. Các chuyên gia cho biết, một số loại thuốc giảm đau chống viêm không chứa steroid như aspirin hay ibuprogen có thể làm chậm quá trình lành xương. Vì vậy, bệnh nhận có thể hỏi tư vấn bác sĩ về các loại thuốc giảm đau chứa các thành phần không ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau chấn thương.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Vận động đúng cách sau gãy xương sẽ giúp máu huyết lưu thông để vết thương mau lành và giảm đau nhức, giảm sưng hiệu quả. Người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp phục hồi như: tập cử động khớp để giảm khả năng bị co cứng khớp do phải bất động quá lâu; tập duy trì sức cơ để tăng sức căng của cơ.
Cần tránh gây áp lực lên khu vực bị ảnh hưởng, tập luyện chỉ nên thực hiện ở các khớp xung quanh ngoại trừ vùng xương gãy. Khi lưu thông máu quanh xương gãy gia tăng, thời gian liền xương sẽ rút ngắn.
Thu Minh (Theo Womenshealthnetwork)