Bác sĩ nội trú Lã Quý Hương (khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, một số bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp trong mùa hè bao gồm: viêm họng, viêm mũi xoang, viêm amidan, viêm họng thanh quản... Trong khi đó, những bệnh viêm đường hô hấp dưới như: viêm phế quản cấp, đợt cấp viêm phế quản mạn tính, viêm phổi, áp xe phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản... cũng tăng lên đáng kể do môi trường ô nhiễm và thời tiết nắng nóng.
Theo bác sĩ Hương, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh phổi trong mùa hè là do khí hậu oi nóng, bức xạ nhiệt cao, thúc đẩy quá trình phát tán các khí ô nhiễm, trong đó có khói phương tiện giao thông. Khói bụi ô nhiễm làm kích thích niêm mạc đường thở, gây tổn thương niêm mạc, dẫn đến giảm khả năng chống chọi với bệnh.
Mặt khác, cơ thể mất nước do ra nhiều mồ hôi khiến đờm khô, đặc quánh làm cho việc khạc đờm khó khăn, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở những người mắc bệnh phổi mạn tính bởi vì đường thở của họ không còn khỏe mạnh.
Thói quen ăn uống trong mùa hè cũng ảnh hưởng đến phổi. Nhiều người có xu hướng uống nước đá, ăn kem, trái cây lạnh... để giải nhiệt. Việc dùng nhiều đồ ăn lạnh dễ gây viêm đường hô hấp, ban đầu có thể làm tổn thương đường hô hấp trên, sau đó có thể dẫn tới viêm đường hô hấp dưới.
Mặt khác, điều hòa cũng là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngoài trời và trong phòng lạnh có thể gây sốc nhiệt. Ngồi điều hòa lâu cũng khiến da, họng bị khô, dẫn đến viêm đường hô hấp trên. Nếu điều hòa không được vệ sinh thường xuyên có thể là nơi tích tụ vi sinh vật có hại, làm người dùng dễ hít phải vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp.
Do đó, để chăm sóc phổi đúng cách trong mùa hè, bác sĩ Hương khuyến nghị mỗi người nên kết hợp dinh dưỡng, vận động và thay đổi thói quen phù hợp với thời tiết.
Về dinh dưỡng, một số nhóm thực phẩm tốt cho hệ hô hấp như: rau họ cải; thực vật giàu carotene (cà rốt); thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 (các loại cá, hạt dinh dưỡng); thực phẩm chứa nhiều folate (rau chân vịt, củ cải, đậu); thực phẩm chứa nhiều vitamin C (ớt chuông, cam, chanh, bưởi, cà chua). Uống khoảng hai lít nước mỗi ngày giúp lá phổi hoạt động hiệu quả hơn. Hạn chế sử dụng đồ ăn lạnh như nước đá, kem, đồ chế biến sẵn trong tủ lạnh... để giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.
Về vận động, thường xuyên tập thể dục giúp giữ cho phổi và tim khỏe mạnh. Một số bài tập hữu ích gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội. Đối với các bệnh nhân phổi mạn tính nên tham khảo tư vấn bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp. Bác sĩ Hương cũng lưu ý trong mùa hè nên lựa chọn thời gian tập luyện hợp lý, chẳng hạn không nên vận động ngoài trời khi thời tiết nóng bức.
Khi sử dụng điều hòa, bạn cần điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, không nên để gió của điều hòa quạt thẳng vào người, không vào phòng lạnh ngay khi đi nắng về, nên tắt điều hòa khoảng 20-30 phút trước khi ra khỏi nhà, tránh sốc nhiệt. Thường xuyên vệ sinh điều hòa, nhà cửa và môi trường sống sạch sẽ, giúp loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh. Bạn cũng có thể lắp đặt các máy hút mùi, máy lọc không khí để giữ môi trường sống trong lành hơn.
Ngoài ra, không hút thuốc, tránh hít khói thuốc thụ động, tránh những nơi ô nhiễm không khí và kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần giúp duy trì một lá phổi khỏe mạnh.
Việt Nam có khí hậu nóng ẩm vào mùa hè, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển lây lan diện rộng. Đây cũng là mùa du lịch cao điểm, khi thay đổi môi trường sống đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh viêm đường hô hấp.
Châu Vũ