Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, người bệnh tiểu đường type 2 thường tăng huyết áp, cholesterol cao nên nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn người bình thường. Dưới đây là 7 cách giúp người tiểu đường giảm nguy cơ biến chứng đến tim.
Vận động nhiều
Đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, cải thiện lưu lượng máu khắp cơ thể. Bài tập thể lực, rèn luyện sức mạnh làm giảm mức đường huyết, vì cơ bắp là nơi tiêu thụ glucose (đường) chính trong cơ thể. Đường huyết cao gây ra biến chứng, trong đó có bệnh tim.
Hoạt động thể chất làm tế bào nhạy cảm với insulin, sử dụng hormone này để hấp thụ glucose hiệu quả hơn. Người bệnh nên hỏi bác sĩ để tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh, dùng thuốc, sức khỏe tổng thể.
Ăn lành mạnh cho tim
Bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế chất béo bão hòa có trong thịt, sản phẩm từ sữa, một số loại dầu ăn vì có thể tăng mức cholesterol xấu (LDL) trong máu. LDL cao làm tích tụ mảng bám trong động mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Người bệnh nên tránh carbohydrate tinh chế (đường tinh chế và tinh bột trong thức ăn chế biến sẵn). Chế độ ăn Địa Trung Hải tốt cho tim mạch, bệnh tiểu đường. Thực đơn ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt, cá, thịt nạc, chất béo lành mạnh, nhiều rau củ quả.
Duy trì cân nặng phù hợp
Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng đường huyết, kháng insulin. Khi giảm 5-10% trọng lượng cơ thể, lượng đường trong máu, chất béo trung tính, lượng cholesterol, huyết áp giảm. Nhờ đó, người tiểu đường kiểm soát được bệnh, giảm khả năng mắc bệnh tim.
Không hút thuốc
Hút thuốc lá có thể làm trầm trọng thêm biến chứng tiểu đường. Hút thuốc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh tim do làm hỏng thành mạch máu, tích tụ nhiều mảng bám.
Hạn chế uống rượu bia
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, uống rượu có thể ảnh hưởng đến thuốc điều trị tiểu đường, hạ đường huyết trong 24 giờ sau uống. Người bệnh hạn chế uống rượu, nếu uống thì nên kiểm tra đường huyết trước và sau uống, vào hôm sau. Thường xuyên uống nhiều rượu có thể tổn thương tim, dẫn đến bệnh về cơ tim mạch, tăng huyết áp.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng không tốt cho người bệnh tiểu đường, dễ có nguy cơ biến chứng. Tập thể dục, thiền, tâm lý trị liệu... giảm căng thẳng, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, quản lý bệnh tốt hơn.
Ngủ đủ giấc
Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, người thiểu ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2 cao hơn. Nghiên cứu năm 2019 của Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường ngủ ít hơn 5 tiếng có mức đường huyết cao hơn người ngủ 7-8 tiếng.
Mai Cat (Theo Everyday Health)