Trả lời:
Thời tiết thay đổi có thể làm gia tăng mắc các triệu chứng tai mũi họng hoặc các chứng viêm mũi do dị ứng theo mùa. Triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người, tùy theo tiền sử bệnh lý. Thông thường, người bệnh tai mũi họng lưu ý uống đủ nước, nghỉ ngơi đúng cách, các triệu chứng sẽ tự khỏi.
Thời tiết thay đổi có thể làm gia tăng mắc các triệu chứng tai mũi họng hoặc các chứng viêm mũi do dị ứng theo mùa. Triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người, tùy theo tiền sử bệnh lý. Thông thường, người bệnh tai mũi họng lưu ý uống đủ nước, nghỉ ngơi đúng cách, các triệu chứng sẽ tự khỏi.
Nếu triệu chứng nghẹt mũi của bạn không kèm các phản ứng hắt hơi, chảy mũi nước hay các triệu chứng viêm họng, ù tai... thì có thể cải thiện bằng một số cách tự nhiên. Bạn lưu ý hạn chế tiếp xúc các yếu tố gây kích ứng mũi thời gian này như bụi bẩn, phấn hoa, đi dưới trời nắng hay quá ẩm ướt. Bạn nên đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời, giữ không gian sống thông thoáng; vẫn có thể tắm hay tiếp xúc với nước như bình thường.
Một số cách xử lý nghẹt mũi sau đây có thể hỗ trợ giảm bớt triệu chứng, giúp bạn dễ thở hơn.
Tắm nước ấm
Vệ sinh cơ thể sạch có thể loại bỏ các tác nhân như bụi bẩn, mùi mạnh... gây kích ứng tai mũi họng. Do đó, khi nghẹt, sổ mũi, bạn không cần phải kiêng tắm. Tắm nước ấm không những giúp thư giãn toàn thân mà hơi nước vào mũi làm loãng dịch nhầy, giúp thông mũi. Sau khi tắm, bạn lau người thật khô và có thể sấy khô sau gáy và tóc để tránh nhiễm lạnh.
Uống đủ nước, thức uống ấm
Uống nhiều nước khi đang bị nghẹt mũi làm tan và loãng dần dịch nhầy, thông mũi và giảm ngứa họng, hạn chế ho và đau họng. Chưa có nghiên cứu cho thấy sự khác nhau giữa uống nước ấm và nước lạnh. Tuy nhiên, hơi ấm, chất lỏng ấm có thể giúp nhanh loãng và đẩy nhanh quá trình thông thoáng mũi hơn. Người trưởng thành được khuyến nghị uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và nên uống nhiều nước hơn khi đang mắc bệnh tai mũi họng.
Nếu bị nghẹt mũi do cảm lạnh, bạn có thể uống trà chanh gừng ấm. Vitamin C trong thức uống có thể giảm mức độ nặng của bệnh, gừng hỗ trợ thông mũi. Nếu đau họng, có đờm trong họng, bạn thêm mật ong vào để chữa ho tự nhiên. Phụ huynh lưu ý không nên chữa ho cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bằng mật ong, có thể gây ngộ độc cho trẻ.
Tạo độ ẩm không khí trong nhà
Bạn có thể trang bị máy tạo ẩm hoặc thiết bị phun sương làm mát trong nhà, văn phòng để giảm nghẹt mũi. Hít thở không khí ẩm, trong lành làm dịu các mô mũi bị kích ứng, giảm viêm xoang và loãng dịch nhầy. Bạn lưu ý thay nước, vệ sinh thiết bị thường xuyên, tránh vi khuẩn và nấm mốc phát triển trong máy.
Xịt rửa mũi
Dùng thuốc xịt giúp vệ sinh, đẩy chất nhầy ra khỏi mũi và giảm bớt triệu chứng nghẹt mũi. Trước khi thực hiện, bạn nên rửa tay bằng xà phòng để tránh các yếu tố có thể gây dị ứng bay vào mũi. Bạn có thể mua và sử dụng các dung dịch xịt mũi tại nhà thuốc, thực hiện theo hướng dẫn để biết tần suất và lượng cần dùng. Dung dịch xịt mũi phổ biến như dung dịch xịt dạng nước muối, chỉ gồm nước và muối, giảm nghẹt mũi, dịu kích ứng. Thuốc xịt chứa steroid giảm viêm và thuốc kháng histamin, giảm nghẹt mũi khi dị ứng. Nếu không chắc chắn về tình trạng bệnh lý, bạn nên thăm khám bác sĩ.
Chườm gạc ấm, chườm túi nước ấm
Nếu nghẹt mũi dẫn đến đau đầu, đau quanh vùng mũi xoang, bạn có thể chuẩn bị gạc ấm hoặc túi chườm nước ấm đặt lên mũi và trán, một lúc sau sẽ giảm bớt triệu chứng. Tác động nhiệt độ ấm lên đường mũi sẽ giúp thông các xoang mũi, loãng dịch nhầy, thông thoáng đường thở hơn.
Khi các tác nhân gây dị ứng kích thích mũi, lưu lượng máu vào các mạch nằm trong khoang mũi có thể gây phù nề niêm mạc mũi, nghẹt thở, ứ đọng dịch nhầy gây tắc nghẽn thông khí mũi. Nghẹt mũi cũng có thể do cảm lạnh, người tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi hoặc là một trong các triệu chứng của Covid-19.
Nếu tình trạng nghẹt mũi của bạn kéo dài hơn một tuần không cải thiện, kèm theo sốt, đau đầu hoặc đau mặt thì nên thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để bác sĩ tìm nguyên nhân và xử trí phù hợp.
ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM