Giáo sư Scott P. Stringer (Khoa Tai mũi họng, Trung tâm Y tế Đại học Mississippi - Mỹ) chia sẻ trên tờ Everydayhealth rằng, nghẹt mũi có thể do cảm lạnh, cúm, dị ứng, ô nhiễm, thậm chí chỉ là không khí khô. Chất gây kích ứng mũi khiến đường mũi sưng lên, khiến bạn nghẹt mũi, khó thở.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), nghẹt mũi cũng có thể là triệu chứng của Covid-19. Nếu bạn nghi ngờ mắc Covid-19 nên xét nghiệm và cách ly với những người khác trong khi chờ kết quả.
Dù nguyên nhân gây nghẹt mũi là gì nhưng có một số cách đơn giản tại nhà giúp bạn dễ chịu hơn. Không giống như một số loại thuốc thông mũi không kê đơn, những phương pháp tự nhiên không gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ, bồn chồn.
Tắm nước ấm
Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi tắm bằng vòi sen. Hít hơi nước có thể làm giảm đau và áp lực xoang, chất nhầy thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Điều này có thể giúp nhịp thở của bạn trở lại bình thường, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Bạn cũng có thể hít hơi nước nước nóng trong bồn rửa mặt. Bạn cho nước nóng vào bồn rửa mặt trong phòng tắm, trùm khăn lên đầu và úp đầu qua bồn rửa (đừng để quá gần vì có nguy cơ gây bỏng da), thực hiện vài lần trong ngày.
Tạo độ ẩm cho không khí
Dùng máy tạo ẩm hoặc máy phun sương làm mát trong nhà là cách đơn giản để giảm nghẹt mũi. Giáo sư Stringer giải thích, hít không khí ẩm có thể làm dịu các mô mũi bị kích thích, giảm viêm xoang và làm loãng chất nhầy.
Máy phun sương ấm và phun sương mát đều có hiệu quả trong việc nâng cao độ ẩm và giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, phụ huynh nên sử dụng máy xông hơi phun sương làm mát cho trẻ em. Dù bạn chọn loại nào cũng cần thay nước hàng ngày và vệ sinh thiết bị theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc.
Rửa mũi
Dùng dụng cụ rửa sạch đường mũi góp phần làm lỏng chất nhầy đặc và loại bỏ các chất gây kích ứng. Một chai xịt mũi mang một làn sương nhỏ nước muối vào mũi có thể làm dịu đường mũi. Bạn có thể mua các dụng cụ xịt rửa mũi và nên chú ý thực hiện đúng cách, nhất là với trẻ nhỏ.
Dùng vitamin C và gừng
Giáo sư Stringer chia sẻ thêm, vitamin C được chứng minh trong một số nghiên cứu có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nhưng nó giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị nghẹt mũi do cảm lạnh thì bổ sung vitamin C có thể giúp bạn khỏe lại nhanh hơn.
Đối với nghẹt mũi do dị ứng, bạn có thể dùng gừng. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC (Mỹ) vào tháng 4/2020 cho thấy, một liều 500 miligam (mg) chiết xuất gừng hàng ngày có hiệu quả tương đương với loratadine (một chất kháng histamine) đối với chứng nghẹt mũi do dị ứng mũi (viêm mũi dị ứng). Các nhà nghiên cứu cho biết, gừng có cả cơ chế chống dị ứng và chống viêm.
Mặc dù cần có thêm nhiều nghiên cứu đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của chiết xuất gừng nhưng bạn có thể thử uống trà gừng hàng ngày để giảm nghẹt mũi do dị ứng.
Dùng gạc ấm
Nếu bạn bị đau đầu hoặc đau xoang do nghẹt mũi có thể thử đặt một miếng gạc ấm trực tiếp lên mũi và trán. Phương pháp này có thể giảm viêm và áp lực mũi và bạn có thể cảm thấy dễ chịu hơn.
Bạn có thể mua sản phẩm chườm nóng hoặc có thể ngâm khăn với nước ấm, vắt bớt phần thừa, sau đó gấp lại và đắp lên mũi, má và trán. Bạn có thể thực hiện điều này trong 20 phút và lặp lại thường xuyên nếu cần.
Uống đủ nước
Uống đủ nước góp phần làm loãng chất nhầy trong đường mũi. Nhiều người cho rằng uống trà nóng có thể giảm nghẹt mũi nhưng đồ uống nóng hay lạnh không quan trọng.
Các nhà nghiên cứu đã chia hai nhóm người có các triệu chứng cảm lạnh và cúm, cho một nửa trong số họ uống đồ uống nóng và nửa còn lại dùng đồ uống ở nhiệt độ phòng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt trong luồng khí qua mũi.
Điều thú vị là nhóm dùng đồ uống nóng cho biết, họ cảm thấy giảm các triệu chứng cảm lạnh nhiều hơn so với nhóm còn lại. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể do sức nóng làm tăng hương vị và trải nghiệm tiêu thụ đồ uống, giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Rhinology (Hà Lan).
Kê cao gối khi ngủ
Nghẹt mũi thường nặng hơn vào ban đêm. Lý do là khi bạn nằm thẳng, trọng lực làm cho chất nhầy đọng lại hoặc trào ngược lên thay vì chảy ra. Do đó, bạn có thể kê thêm một chiếc gối dưới đầu. Bạn cũng có thể đặt máy xông hơi phun sương mát hoặc máy tạo độ ẩm cạnh giường để làm loãng chất nhầy và giúp chúng thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
Nếu tình trạng nghẹt mũi của bạn kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện hoặc kèm theo sốt, đau đầu dữ dội, đau mặt.., bạn nên đến gặp bác sĩ vì có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn và cần dùng kháng sinh.
Kim Uyên (Theo Everydayhealth)