Theo ThS.BS Huỳnh Hoài Phương (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), đầy hơi, chướng bụng gây ra cảm giác căng tức khó chịu do tăng áp lực vùng bụng. Đây là triệu chứng thường gặp do rối loạn tiêu hóa nếu chế độ ăn thiếu chất xơ, rối loạn đường ruột, không dung nạp thực phẩm, tác dụng phụ từ một số thuốc hoặc ảnh hưởng từ thai kỳ.
Đầy bụng, chướng bụng có rất nhiều nguyên nhân, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu đầy bụng mức độ nhẹ, người bệnh có thể thay đổi lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống và vận động hợp lý để cải thiện.
Ăn nhiều chất xơ: Chất xơ có nhiều trong rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt. Lượng chất xơ này không chỉ giảm táo bón mà còn giảm đầy hơi, chướng bụng. Tùy theo giới tính, độ tuổi, cơ địa khác nhau mà nhu cầu chất xơ của mỗi người cũng khác nhau. Lượng chất xơ trung bình của một người trưởng thành cần khoảng 25 g một ngày. Chọn thức ăn mềm như cơm nhão, cháo trắng giúp giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Bổ sung thực phẩm giàu probiotic: Probiotic giúp bổ sung hoặc cân bằng vi khuẩn đường ruột, từ đó, làm thuyên giảm triệu chứng chướng bụng, đầy hơi. Bạn nên ngừng ăn các thực phẩm gây đầy hơi như: thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nước uống có ga, sữa và các chế phẩm từ sữa, kẹo cao su. Nên ăn tỏi, một số loại trái cây như cam, bưởi, táo, dưa, lê sau những bữa ăn nhiều đạm.
Uống nhiều nước: Nước không chỉ vận chuyển dinh dưỡng, oxy cần thiết cho các tế bào của cơ thể mà còn có ích cho hệ tiêu hóa như làm mềm phân và di chuyển chúng dễ dàng. Tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính, mức độ hoạt động, điều kiện khí hậu mà một người nên uống lượng nước phù hợp. Trung bình lượng nước uống ít nhất 0,4 lít trên 10 kg cơ thể một ngày. Ví dụ, người nặng 50 kg cần uống ít nhất hai lít nước một ngày.
Bổ sung magie: Chất này hỗ trợ tác dụng trung hòa axit dạ dày, thư giãn cơ ruột và nhuận tràng. Tuy nhiên, người bệnh không nên dùng quá thường xuyên để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Massage bụng: Những động tác massage lên bụng, ấn nhẹ và tròn xung quanh rốn theo chiều kim đồng hồ (khoảng 3 phút) kích thích nhu động ruột làm việc, tiêu hóa thức ăn nhanh hơn.
Chườm ấm: Dùng túi ấm hoặc khăn bông nhúng vào nước nóng, vắt khô và đặt lên bụng. Khi khăn nguội lại lấy ra làm như vậy. Chườm ấm vùng bụng khoảng 20 phút kích thích máu tuần hoàn, cải thiện chứng đầy bụng, chướng bụng.
Đi bộ: Đi bộ có thể làm cho quá trình nhu động ruột diễn ra thuận lợi hơn, giải phóng khí và chất thải ứ đọng trong cơ thể. Dành 20-30 phút cho đôi bàn chân hoạt động giúp đường ruột hoạt động trơn tru. Những bài tập yoga nhẹ nhàng như vặn mình, plank hay tư thế cây cầu... cũng giảm chướng bụng, đầy bụng.
Thư giãn trong bồn nước ấm: Việc ngâm mình trong bồn nước ấm tạo cho cơ thể thư giãn, thả lỏng tinh thần. Nhờ vậy, đường tiêu hóa hoạt động tốt hơn, lượng khí trong bụng sẽ giảm bớt.
Chứng đầy hơi, chướng bụng do rối loạn tiêu hóa ở mức độ nhẹ cũng có thể cải thiện bằng cách dùng thuốc không kê đơn (OTC). Một số loại thuốc không kê đơn (OTC) dùng để cải thiện đầy hơi, chướng bụng khá phổ biến như men tiêu hóa, lợi khuẩn, thuốc trung hòa axit giúp làm dịu axit dư thừa, thuốc bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng để giảm táo bón.
Bác sĩ Hoài Phương lưu ý, nếu người bệnh đã thực hiện các biện pháp trên nhưng chứng đầy bụng, chướng hơi vẫn không cải thiện thì cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Vì đầy hơi có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý khác như đại tràng co thắt, viêm đại tràng, sỏi thận, sỏi mật... Trường hợp người bệnh chướng bụng, đầy hơi kéo dài, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc phù hợp.
Quyên Phan