Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, khi quá trình tiêu hóa hoạt động không bình thường có thể dẫn đến nhiều vấn đề như mệt mỏi, chán ăn, kém hấp thu dinh dưỡng... Một người khỏe mạnh nên bài tiết chất thải ít nhất một lần mỗi ngày. Tiêu hóa chậm có thể gây đầy hơi, táo bón, cảm giác no lâu và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Dưới đây là một số cách đơn giản có thể cải thiện chế độ ăn uống và hoạt động thể chất giúp tăng tốc độ tiêu hóa.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống là điều đầu tiên cần xem xét khi bạn muốn cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu hóa chậm như ăn thực phẩm chế biến sẵn, ăn ít thực phẩm chứa chất xơ và nước, ăn nhiều thịt và sữa... Căng thẳng quá nhiều, lối sống ít vận động cũng làm chậm quá trình tiêu hóa.
Theo Tiến sĩ Khanh, bạn nên bắt đầu ngày mới bằng cách bổ sung nước sau một đêm không uống nước. Bạn nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng thực phẩm với đa dạng chất dinh dưỡng. Một số thực phẩm tăng tốc độ tiêu hóa, bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột như táo, bơ, măng tây, cần tây, quả mọng, rau lá xanh đậm, củ cải đường, yến mạch, gạo lứt. Tỏi, gừng, thì là, rau mùi, nghệ... là những loại thảo mộc và gia vị hữu ích. Bạn cũng có thể dùng lô hội, dầu thầu dầu, hạt lanh, hạt chia để chế biến thức ăn, góp phần hỗ trợ tiêu hóa.
Tăng lượng chất xơ
Chất xơ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường ruột; thường có trong thực vật như rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt... Chất xơ hòa tan làm mềm phân, trong khi chất xơ không hòa tan bổ sung khối lượng lớn, kích thích co bóp ruột và giúp thức ăn dễ dàng đi qua ruột. Thực phẩm càng được tinh chế hoặc chế biến thì càng chứa ít chất xơ. Để đáp ứng lượng chất xơ hàng ngày, người trưởng thành cần bổ sung khoảng 20-30 g.
Uống nhiều nước
Cùng với chất xơ, nước giúp phân không bị cứng, dễ di chuyển dọc theo đường tiêu hóa. Mất nước có thể dẫn đến phân khô, cứng gây táo bón. Theo Tiến sĩ Khanh, mọi người có thể bổ sung nước vào chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều trái cây, rau quả. Khoảng 20% lượng nước khuyến nghị hàng ngày đến từ thực phẩm. Bạn cần đảm bảo uống nhiều nước không chứa caffein và đường. Người lớn tuổi thường giảm cảm giác khát nước mặc dù cơ thể thiếu nước.
Tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua hệ tiêu hóa, có thể ngăn ngừa mất nước. Điều này giúp giảm tình trạng phân cứng, khô dẫn đến táo bón. Tập thể dục cũng làm tăng nhịp tim, kích thích nhu động ruột - các cơn co bóp ruột giúp di chuyển chất thải ra khỏi cơ thể.
Tiến sĩ Khanh cho biết, bất kỳ loại hoạt động thể chất nào cũng có lợi cho việc ngăn ngừa và giảm táo bón, giảm các triệu chứng khó chịu cho hệ tiêu hóa. Đơn giản chỉ cần đi bộ trong 30 phút mỗi ngày có thể tăng tốc độ tiêu hóa. Tuy nhiên, để cải thiện chức năng tiêu hóa và sức khỏe tổng thể, bạn nên tập thể dục từ 150-300 phút hoặc hoạt động mạnh từ 75-150 phút mỗi tuần.
Nhai kỹ khi ăn
Quá trình tiêu hóa bắt đầu trong miệng với các tuyến nước bọt. Càng nhai kỹ thức ăn, dạ dày càng được giảm thời gian làm việc. Bạn cố gắng sắp xếp các bữa ăn cùng một thời điểm mỗi ngày và thưởng thức chúng chậm rãi. Để tránh ăn nhiều, bạn có thể chia các khẩu phần ăn, ngừng ăn khi cảm thấy no 80% thay vì cảm thấy no đến mức khó chịu. Bạn cũng cần nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc vì phần lớn quá trình tiêu hóa diễn ra trong khi ngủ.
Quá trình tiêu hóa được thực hiện nhằm phân hủy thức ăn thành các phân tử nhỏ hơn. Các chất dinh dưỡng đi qua ruột non và đi vào máu, tế bào để nuôi cơ thể. Chất thải không hấp thu sẽ đi vào ruột già thành phân và thải ra ngoài. Quá trình này không diễn ra bình thường dẫn đến chướng bụng, khó chịu. Khi áp dụng lối sống lành mạnh và các cách đơn giản giúp tăng tốc độ tiêu hóa nhưng các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa không cải thiện, bạn nên thăm khám bác sĩ.
Lục Bảo