Gân là cấu trúc màu trắng nằm giữa xương và cơ. Bộ phận này có thành phần chính là những sợi đàn hồi chịu trách nhiệm truyền các lực cơ học lớn từ xương và kích thích các khớp chuyển động. Tùy thuộc vào vai trò của cơ mà gân có nhiều kích thước và hình dạng khác nhau. Gân được phân loại theo vị trí bám như gân tay, gân chân...
Viêm gân là tình trạng gân bị viêm hoặc tổn thương, gây đau nhức và sưng nóng quanh khớp. Tình trạng này có thể xảy ra ở tất cả các gân tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở vai, cổ tay, đầu gối, gót chân...

Viêm gân có thể gây đau và ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Ảnh: Freepik
Một trong những phương pháp hiệu quả để điều trị tình trạng viêm gân là tiêm gân. ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, tiêm gân là kỹ thuật tiêm thuốc vào gân với mục đích điều trị các tổn thương ở gân, những mô xung quanh gân, màng hoạt dịch gân và nơi bám tận gân, qua đó giúp giảm đau và giảm viêm hiệu quả.
Các bệnh lý ở gân có thể được chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêm gân gồm viêm gân và viêm bao gân. Tiêm gân giúp giảm đau nhanh và mạnh hơn những thuốc kháng viêm truyền thống dùng đường uống như các thuốc NSAID, aspirin. So với các phương pháp điều trị khác, tiêm gân cũng ít phản ứng phụ hơn, không có tình trạng kích ứng dạ dày như khi người bệnh uống thuốc kháng viêm...
Tùy vào vị trí và mức độ viêm gân, bác sĩ có thể chỉ định tiêm các loại thuốc khác nhau. Cortisone là thuốc tiêm gân phổ biến nhất, có tác dụng giảm đau và viêm rất tốt. Thuốc này thường có thành phần là cortisone và thuốc gây tê cục bộ. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định tiêm huyết tương giàu tiểu cầu nếu bị viêm điểm bám lồi cầu ngoài khuỷu tay, viêm cân gan chân, viêm gân cơ dạng và thoái hóa gân chóp xoay. Chế phẩm sinh học này giúp sản sinh collagen trong gân, là một lựa chọn phổ biến cho thoái hóa gân.
Trong trường hợp người bệnh bị thoái hóa gân Achilles hoặc gân bánh chè, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm nước muối thể tích lớn hoặc tiêm glucose. Một loại thuốc tiêm gân khác có hiệu quả trong điều trị thoái hóa gân bánh chè là tế bào gốc. Tuy nhiên, phương pháp này thường có giá thành cao nên ít được cân nhắc.
Nếu các loại thuốc tiêm gân không đạt hiệu quả như mong đợi, bác sĩ có thể chỉ định nạo gân. Phương pháp này thường được áp dụng cho trường hợp thoái hóa gân gót hoặc gân bánh chè. Bác sĩ sẽ sử dụng một mũi kim có lưỡi đặc biệt kết hợp với hướng dẫn siêu âm để loại bỏ các thần kinh nhận cảm đau.

Bác sĩ thực hiện tiêm thuốc điều trị viêm gân tại đầu gối. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Sau khi tiêm thuốc vào gân, người bệnh cần bảo vệ vùng tiêm trong 1- 2 ngày, chườm lạnh khi cần thiết để giảm đau, hạn chế tiếp xúc với nước nóng trong 2 ngày đầu sau tiêm. Nếu tiêm gân ở vai, người bệnh nên tránh nâng vác vật nặng, nếu tiêm ở gối thì hạn chế di chuyển. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu nhiễm trùng và đến gặp bác sĩ nếu như đau nhiều hơn, tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm kéo dài hơn 48 giờ.
Bác sĩ Tôn Quyền khuyến cáo, mặc dù tiêm gân giúp giảm đau và viêm nhanh chóng nhưng phương pháp này vẫn tồn tại một số nguy cơ biến chứng bao gồm nhiễm khuẩn ở vị trí tiêm, đứt gân, mất sắc tố hoặc teo da, xuất hiện các triệu chứng như đổ mồ hôi, choáng váng, tức ngực, khó thở, ho... Do đó, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên lựa chọn tiêm gân tại các cơ sở y tế uy tín, có thiết bị kỹ thuật tiên tiến và đội ngũ y bác sĩ lành nghề.
Phi Hồng