Bệnh teo cơ do đái tháo đường thường gặp ở tuổi trung niên. Người bệnh đái tháo đường type 2 nhiều hơn type 1, nam nhiều hơn nữ. Nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi bất thường của hệ thống miễn dịch gây tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh chi phối chi dưới.
Người bệnh cần làm một số xét nghiệm máu để kiểm tra sự thiếu hụt vitamin trong cơ thể. Bác sĩ còn thực hiện các xét nghiệm khác như: chọc dò não tủy (chất lỏng xung quanh tủy sống), điện cơ đánh giá dẫn truyền thần kinh, kiểm tra hoạt động các dây thần kinh ở chân; chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng lưng dưới để loại trừ khả năng chèn ép các dây thần kinh xung quanh cột sống.
BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, khi chẩn đoán teo cơ do đái tháo đường, tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị. Đau do bệnh teo cơ đái tháo đường gọi là đau thần kinh hoặc đau dây thần kinh, thường phản ứng kém hơn với thuốc giảm đau thông thường như paracetamol. Các phương pháp điều trị đau dây thần kinh chuyên khoa bao gồm: amitriptyline, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh.

Teo cơ chân làm suy giảm khối lượng và sức mạnh của chân. Ảnh: Freepik
Bác sĩ Vũ chia sẻ thêm, thuốc steroid, thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để giúp tăng tốc độ phục hồi. Thời gian điều trị tùy thuộc vào diễn biến của tình trạng bệnh và mức độ tổn thương thần kinh ở mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên chưa có bằng chứng mạnh về hiệu quả của thuốc. Người bệnh ngoài dùng thuốc cần áp dụng thêm những phương pháp sau để góp phần kiểm soát, chữa teo cơ hiệu quả hơn.
Tập thể dục thể thao vừa sức: Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức đề kháng có tác dụng giảm viêm toàn thân, viêm cơ. Tình trạng viêm toàn thân góp phần ảnh hưởng đến tình trạng kháng insulin của cơ thể. Vì vậy, luyện tập thể dục làm tăng độ nhạy insulin để cải thiện tình trạng viêm (cơ, toàn thân, cục bộ); có thể điều chỉnh, tăng quá trình tổng hợp protein, giảm sự thoái hóa protein. Một số bài tập người bệnh có thể tập như: đi bộ, đạp xe...
Cải thiện chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống lành mạnh giúp người bệnh đái tháo đường đường phát triển cơ bắp, giảm mỡ thừa. Người bệnh có thể bổ sung các loại thực phẩm có chứa protein như: cá, trứng, các loại đậu... để cải thiện tình trạng suy giảm khối lượng cơ bắp. Thực phẩm giàu vitamin D có trong cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ, hàu, tôm.... cũng giúp xương chắc khỏe, cải thiện cơ bắp.

Các loại cá, đậu, trứng... chứa nhiều đạm, giúp tăng cơ. Ảnh: Freepik
Vật lý trị liệu: Người bệnh đái tháo đường bị teo cơ cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của bác sĩ để giữ cho cơ bắp hoạt động càng nhiều càng tốt, cải thiện tốc độ và mức độ phục hồi.
Để phòng ngừa bệnh teo cơ do đái tháo đường, bác sĩ Vũ khuyên người bệnh cần lưu ý: tránh hút thuốc; ăn uống điều độ nhưng hợp lý, hạn chế thực phẩm giàu đường và chất béo; duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh; thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát đường huyết, tránh biến chứng. Người bệnh đái tháo đường vẫn có thể bị teo cơ. Tuy nhiên, quá trình phục hồi có thể nhanh và dễ dàng hơn nếu các yếu tố này được kiểm soát.
Mai Hoa