Thưa bác sĩ, mốc phát triển chiều cao hai tuổi có quan trọng không? Con tôi sắp 22 tháng, nặng 11 kg, cao chừng 82-83 cm. Một năm nay, cháu tăng cân ít, chiều cao cũng tăng rất chậm. Cháu hơi biếng ăn, đã cai sữa mẹ, uống sữa công thức nhưng chỉ uống khoảng 100 ml vào buổi tối trước khi ngủ vì ban ngày cháu uống sữa ở trường và không thể đo đếm được.
Tôi đang phân vân có cần cho con đi khám bác sĩ dinh dưỡng để tăng chiều cao hay không? Thêm nữa, khi bé bị bệnh hoặc ho hay bị nôn trớ. Tôi để ý thấy dù bé ăn cách đó ba tiếng, khi nôn vẫn ra nguyên thức ăn. Có phải con bị tiêu hóa kém và khó hấp thụ không? (Sam Sam)
Trả lời:
Con của bạn 22 tháng tuổi, vẫn nằm trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất 1.000 ngày đầu đời, tức là từ lúc bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi bé hai tuổi. Tốc độ phát triển chiều cao bình thường của trẻ 1-2 tuổi là tăng 1 cm mỗi tháng. Như vậy, hai tháng tới con sẽ cao thêm 2 cm nếu đáp ứng tốt các yếu tố để phát triển chiều cao mà cha mẹ có thể hỗ trợ được (bỏ qua vấn đề di truyền). Bởi theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao của trẻ dưới 5 tuổi rất ít chịu tác động của yếu tố di truyền, dù yếu tố di truyền chiếm khoảng 23% tiềm năng chiều cao.
Từ 25 đến 36 tháng, trẻ có thể tăng 0,7 cm một tháng.
Giai đoạn 4-10 tuổi, trẻ có thể tăng 0,5 cm mỗi tháng.
Giai đoạn 4-10 tuổi, nếu con có tốc độ tăng trưởng chiều cao 0,7-0,8 cm, thậm chí 1 cm trong một tháng thì rất đáng để chúng ta quan tâm. Vì không ai nói trước được con sẽ dậy thì vào độ tuổi nào. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi, gia tăng về cân nặng, chiều cao để nhận ra con mình đã bước vào tuổi dậy thì hay chưa. Đừng nghĩ rằng đến 10 tuổi trẻ mới bắt đầu dậy thì và chờ đến độ tuổi ấy, trong khi giai đoạn dậy thì của bé có thể từ 8 tuổi thậm chí 7 tuổi. Nếu chờ, chúng ta có thể bỏ đi cơ hội tăng chiều cao của con.
Với trường hợp của con bạn, cân nặng trung bình 11 kg ở tháng thứ 22 có thể chấp nhận được. Chiều cao 82-8 cm thì thiếu nhiều, chỉ tương đương với trẻ ở độ tuổi 19-20 tháng. Như vậy, con của bạn thiếu hai tháng chiều cao, hai tháng không phát triển ở độ tuổi này thiếu ít nhất 2 cm.
Ở đây, bé đã cai sữa mẹ rồi mà chỉ uống 100 ml sữa công thức một ngày thì hoàn toàn chưa đủ và thiếu nguồn canxi tốt để tăng trưởng chiều cao. Độ tuổi này, bé phải được cung cấp ít nhất 5-6 đơn vị sữa (mỗi đơn vị sữa tương đương khoảng 100 ml sữa chua, sữa dạng lỏng pha chuẩn hoặc một viên pho mai 15 gram). Như vậy, con mới được một đơn vị sữa, trong khi con cần 5-6 đơn vị sữa.
Phụ huynh cần điều chỉnh chế độ ăn. Cụ thể, hiện bé nặng 11 kg, nếu tăng 500 ml sữa thì chúng ta có thể bớt chế độ ăn cơm hoặc cháo để con có thể thu nhận được những thực phẩm tốt cho việc tăng trưởng chiều cao.
Việc nôn trớ của trẻ rất có thể do chúng ta đưa vào một thể tích thức ăn vượt quá khả năng thu nhận và tiêu hóa của trẻ. Phụ huynh nên thay đổi cách chế biến, đảm bảo giữ được đậm độ năng lượng nhưng thể tích chỉ khoảng 200-250 ml cho một bữa. Còn nếu cho bé ăn nhiều quá, thức ăn khô quá, rất có thể trẻ sẽ khó tiêu hóa, vượt quá khả năng của bộ máy tiêu hóa ở độ tuổi này. Chính vì vậy có thể làm cho trẻ dễ đầy bụng và nôn trớ.
Để tối ưu tiềm năng phát triển chiều cao, phụ huynh nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng sớm. Việc thiếu vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi, vitamin D... là một nạn đói tiềm ẩn. Các vi chất ấy chỉ có thể nhận biết thừa hay thiếu thông qua xét nghiệm. Từ đó, cha mẹ bổ sung kịp thời giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, bớt biếng ăn.
Đồng thời, cần có cách chế biến phù hợp với khả năng tiêu hóa, thể tích ăn vào phù hợp với sự chứa đựng của dạ dày. Như vậy sẽ giúp bé bớt biếng ăn, bớt nôn trớ và đặc biệt cung cấp nguồn nguyên liệu quý cho việc phát triển chiều cao của bé càng sớm càng tốt.
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai
Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia
Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome