Không chỉ giúp thức ăn trông ngon và hấp dẫn hơn, nghệ còn mang lại một số tác dụng chữa bệnh nhất định. Đó là nhờ vào lượng vitamin và khoáng chất có trong nghệ như: vitamin C, K, E, Kali, canxi, sắt... và hoạt chất curcumin. Dưới đây là những lợi ích tốt cho hệ hô hấp từ củ nghệ.
Giảm tắc nghẽn đường thở
Trong hầu hết các bệnh về đường hô hấp, thở đúng cách hóa ra là phần khó khăn nhất vì hầu hết mọi người đều cảm thấy ngực nặng nề một cách kỳ lạ và điều này là do sự tắc nghẽn dai dẳng và viêm nhiễm trong đường dẫn khí. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y học quốc gia Mỹ được thực hiện trên 77 bệnh nhân hen suyễn từ nhẹ đến trung bình. Những người tham gia đã uống viên nang curcumin trong 30 ngày. Kết quả cho thấy việc bổ sung chất này sẽ giúp giảm tắc nghẽn đường thở và có thể là một phương pháp điều trị bổ sung hữu ích cho bệnh hen suyễn.
Giảm các triệu chứng của COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp nhất ở những người hút thuốc lá. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Đại học Oxford (Anh), các nhà nghiên cứu đã cho những con chuột mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như viêm phổi và ung thư phổi được bổ sung curcumin hàng ngày. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nghệ làm giảm tình trạng viêm phổi của chuột, giúp chúng có khả năng thở tốt hơn. Nó cũng giúp ngăn ngừa sự hình thành khối u trên các bộ phận khác của cơ thể nhưng không làm giảm khối u ở phổi.
Theo Healthline, curcumin là một chất chống oxy hóa mạnh và có khả năng giúp chống lại quá trình stress oxy hóa được cho là nguyên nhân gây ra phổi tắc nghẽn mạn tính; đồng thời ngăn chặn chứng viêm ở cấp độ phân tử.
Chống nhiễm trùng
Tiêu thụ nghệ hàng ngày giúp giảm viêm trong đường dẫn khí. Hơn nữa, theo Times of India, nghệ còn làm tan chất nhầy và giúp loại bỏ các vi khuẩn làm tắc nghẽn đường hô hấp của cơ thể một cách tự nhiên. Ngoài ra, đặc tính kháng virus và kháng khuẩn của nghệ cũng có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, từ đó giúp giảm các triệu chứng ho và cảm lạnh.
Củ nghệ được khuyến khích sử dụng trong thực phẩm hoặc được dùng như một chất bổ sung. Tuy nhiên, loại thực phẩm này cũng có một số rủi ro tiềm ẩn cần lưu ý. Theo BS Malcolm B. Taw - Giám đốc Trung tâm East-West Medicine (Mỹ), nghệ có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc làm loãng máu (như warfarin , clopidogrel và aspirin). Do đó, chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Ethnopharmacology cho thấy nghệ cũng có thể hạn chế sự hấp thụ sắt, làm tăng nguy cơ sỏi thận và gây trở ngại cho thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamine, thuốc điều trị tim mạch và hóa trị liệu.
Chính vì vậy, BS Malcolm B. Taw khuyến nghị người bệnh đang dùng bất kỳ loại thuốc nào hoặc đang mang thai và cho con bú nên trao đổi với bác sĩ trước khi tăng lượng nghệ vào trong cơ thể. Lưu ý, lượng nghệ tiêu thụ trong món cà ri hoặc đồ uống có nghệ không gây nguy hiểm cho sức khỏe vì gia vị không hấp thụ tốt vào máu và một liều lượng nhỏ không có nhiều tác dụng.
Huyền My (Theo Times of India, Healthline, Everyday Health)