BS.CKI Trần Đông Hải (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), cho biết nguyên tắc ăn uống với người bệnh tiểu đường type 2 bao gồm: ăn đúng giờ, đúng bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều), không nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ăn xế. Người bệnh không nên ăn quá ít, không bỏ bữa, ăn chậm nhai kỹ, ăn vừa đủ với nhu cầu cơ thể.
Những món hầm nhừ, xay nhuyễn, chiên, nướng cần tránh vì kích thước thành phần món ăn càng nhỏ thì chỉ số đường huyết càng tăng. Các món chế biến đơn giản như hấp, luộc có lợi cho sức khỏe hơn. Tránh tối đa ăn khuya vì rất dễ làm đường huyết buổi sáng tăng (trừ trường hợp phải tiêm insulin buổi tối) và một số loại thực phẩm đóng gói sẵn được quảng cáo chưa chắc phù hợp.
Các chất dinh dưỡng tạo ra năng lượng cần thiết cho hoạt động sống, vận động cơ thể và năng lượng được biểu thị bằng đơn vị kcal. Dưới đây là một số gợi ý lựa chọn thực phẩm có lợi và liều lượng phù hợp để tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường type 2.
Tinh bột
Tỷ lệ năng lượng do tinh bột (glucid) nên ở mức 44-46% (người bình thường là 65%) trong tổng số năng lượng của khẩu phần. Đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn. Do đó, nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân là hạn chế sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Tuy nhiên, không được giảm quá nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường. Trong một phần tinh bột có khoảng 200 kcal: tương đương với một chén cơm gạt hoặc một ổ bánh mì, hai củ khoai lang, một trái bắp, bốn lát sandwich, 200 g bún tươi, hai tô cháo, 200 g mì spaghetti đã chín.
Chất đạm
Lượng chất đạm (protein) nên đạt 1-1,5 g cho một kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày đối với người lớn. Khẩu phần ăn có quá nhiều đạm sẽ không tốt cho thận. Những bệnh nhân thận tiểu đường (có albumin niệu hoặc giảm tỷ lệ lọc cầu thận) nên duy trì chế độ ăn kiêng được khuyến cáo là 0,8 g chất đạm cho một kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng đạm trong khẩu phần cần cao hơn so với người bình thường, nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần (người bình thường là 12-14%).
Bác sĩ Đông Hải khuyên sử dụng phối hợp chất đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với chất đạm thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) vừa tiết kiệm tiền mà các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn. Trong một phần chất đạm có khoảng 80-100 kcal. Người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn 2-3 phần thịt mỗi ngày, tương đương một khứa cá 50-80 g; mực 100 g; trứng một quả; thịt heo, gà, bò 50-60 g; đậu phụ 100 g; một con cua vừa 250 g; tôm khoảng 150 g.
Theo kết quả của 20 nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Đại học Y tế Cộng đồng Harvard, ăn các loại cá béo như: cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi từ 1-3 lần một tuần giúp giảm 36% nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Chất béo
Trong khẩu phần ăn của người tiểu đường cũng rất cần chất béo (lipid) để cung cấp năng lượng. Các axit béo bão hòa có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương...) có lợi cho sức khỏe. Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 20-35% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18-20%), không nên vượt quá 35%. Hạn chế các loại chất béo bão hòa (mỡ động vật), các loại chất béo đã qua chế biến (margarin, các loại dầu ăn có nguồn gốc hóa học hay đã qua chiên xào rồi dùng lại) vì dễ gây xơ vữa động mạch).
Rau xanh
Rau củ quả là một trong những món ăn thường thấy, đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn dinh dưỡng tự nhiên như vitamin, khoáng chất giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Các thành phần này thường có trong rau quả tươi. Ăn nhiều chất xơ giúp người bệnh cảm thấy no nhanh hơn nên giảm khẩu phần ăn, dẫn đến giảm cân.
Một số loại rau củ cũng rất tốt cho sức khỏe như: bông cải xanh, mướp đắng, hành tây, rau bắp cải, súp lơ, rau dền, rau diếp cá, cà rốt. Trong đó, cà rốt có hàm lượng beta caroten (tiền chất của vitamin A) cao, giúp kiểm soát đường huyết. Cà rốt còn có tác dụng làm chậm quá trình chuyển hóa đường trong máu, giảm lượng đường huyết. Những bệnh nhân đã lớn tuổi nên ăn lá rau ăn với mức độ vừa phải; không nên ăn nhiều rau bởi cung cấp quá nhiều chất xơ cũng gây khó tiêu hóa.
Trái cây
Đường trong trái cây là loại đường fructose. Đường fructose làm tăng đường huyết chậm hơn đường sucrose (đường mía) nên bệnh nhân tiểu đường có thể dùng được. Trái cây có màu đậm thường có nhiều loại vitamin, chất khoáng cần thiết cho tim mạch, sức khỏe nói chung. Khi đã ăn trái cây, người bệnh nên giảm lượng chất bột trong bữa ăn hàng ngày với liều lượng tương đương; tuyệt đối không được ăn trái cây để thay các loại thực phẩm khác. Chú ý không nên dùng nước ép trái cây vì đã mất chất xơ, khiến cho đường huyết có thể tăng cao.
Bác sĩ Đông Hải chia sẻ thêm, bản thân đường, dù là đường trong trái cây hay đường mía đều làm tăng mức đường huyết, tăng nồng độ các loại mỡ không tốt cho tim mạch (tăng triglyceride, giảm HDL - cholesterol). Người bệnh tiểu đường nên dùng với lượng vừa phải, khoảng 10 g một suất trái cây: tương đương 1/2 quả táo, 1/2 quả lê, 1/2 quả cam, 1/2 quả ổi, 4 quả nho, 4 quả vải, 4 quả chôm chôm, một lát đu đủ hoặc thơm, dưa hấu... khoảng một cm.
Chế độ ăn cho người tiểu đường type 2 rất quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu, tránh những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được hướng dẫn chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh để đón Tết vui khỏe.
Mai Hoa