Trái cây chứa nguồn cacbohydrat lành mạnh, vitamin, chất xơ, khoáng chất và nước, là nhóm thực phẩm có lợi cho người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, trái cây cũng chứa nhiều đường nên người bệnh cần chọn loại có chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường (GL) thấp. Chỉ số đường huyết (GI) xác định một loại thức ăn khi vào cơ thể sẽ gây tăng đường huyết ít hay nhiều. Tải lượng đường (GL) cho thấy một thực phẩm khi vào cơ thể gây tăng đường huyết nhanh hay chậm.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, GI được chia thành 3 nhóm gồm thấp 55, trung bình 56-69, cao từ 70 trở lên. GL thấp từ 0-10, trung bình 11-19, cao là từ 20 trở lên. Dưới đây là 3 loại trái cây mà người bệnh đái tháo đường có thể đưa vào chế độ ăn thường xuyên.
Sơ ri
Sơ ri có vị ngọt thanh, mọng nước, phù hợp với người bệnh đái tháo đường nhờ chỉ số GI 20 (thấp), GL là 0,1 (thấp). Trong 100 g sơ ri có 0,5 g protein, 32 calo, 1.680 mg vitamin C cùng nhiều hoạt chất chống oxy hóa (riboflavin, thiamin...).
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sơ ri có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa, hỗ trợ nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể. Loại trái cây này có thế giúp hạn chế các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Chất xơ trong trái sơ ri giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose vào máu, ổn định đường huyết và giảm nguy cơ đề kháng insulin ở người bị đái tháo đường.
Sơ ri giàu vitamin C hơn trái cam, dâu tây. Người bệnh nên dùng sơ ri khi quả còn xanh hoặc vừa chín tới vì càng chín càng mất lượng lớn nguồn vitamin C.
Chuối
Chuối cũng là trái cây nhiệt đới phổ biến, chỉ số GI 48 (thấp), GL10.1 (trung bình); người bệnh đái tháo đường có thể ăn. Trong 100 g chuối chứa 2,6 g chất xơ, 12.2 g đường, 22.8 g carb, 89 calo cùng nhiều vitamin C, khoáng chất mangan, magie, kali. Hàm lượng chất xơ cùng vitamin, khoáng chất trong chuối giúp kích thích tiêu hóa, cải thiện sức đề kháng, hạn chế mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do virus, vi khuẩn gây ra.
Tuy nhiên, chuối cũng chứa nhiều đường nên người bệnh chỉ dùng 1/2 quả chuối mỗi khẩu phần, ăn những quả vừa chín tới. Những quả chuối chuyển sang màu vàng đậm thì hàm lượng đường càng cao.
Ổi
Trái ổi có chỉ số GI 12 (thấp), GL 4 (thấp). Bác sĩ Nguyên Duy chia sẻ thêm, ổi là lựa chọn an toàn dành cho người bệnh đái tháo đường. Trong 100 g ổi có 14,32 g carbohydrate, 8,92 g đường, 5,4 g chất xơ, 228,3 mg vitamin C... cùng nhiều hoạt chất chống oxy hóa. Ăn ổi thường xuyên giúp người bị đái tháo đường cải thiện đường huyết nhờ hoạt động của chất xơ.
Tiêu thụ ổi cũng giúp tăng cường sức đề kháng và quá trình lão hóa của cơ thể, nhờ đó duy trì hoạt động của tuyến tụy - tiết insuline đủ cho nhu cầu đưa glucose vào tế bào. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên ăn quá nhiều, tránh tăng đường huyết đột ngột. Người bệnh có thể dùng thêm các loại trái cây khác như táo, nho, cam, quýt... để thay đổi khẩu vị. Cách đơn giản nhất để tính lượng thức ăn mỗi lần là sử dụng nắm tay để ước lượng. Một phần trái cây sẽ bằng nắm tay.
Xây dựng khẩu phần ăn hợp lý sẽ giúp người bệnh có đủ năng lượng trong hoạt động hàng ngày cũng như hạn chế tăng đường huyết và các biến chứng nguy hiểm như nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu... Bác sĩ Nguyên Duy chia sẻ thêm, người bị đái tháo đường không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính vì có thể làm tăng đường huyết đột ngột. Thời gian lý tưởng để ăn trái cây là cách 2 giờ sau bữa ăn chính, có thể ăn giữa buổi sáng khoảng 10h hoặc giữa buổi chiều khoảng 15-16h. Ăn đa dạng các loại trái cây tươi với nhiều màu sắc khác nhau giúp bổ sung đủ khoáng chất, vitamin.
Nguyễn Trăm