Khi mang thai, nhiều phụ nữ gặp tình trạng khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, mất ngủ, nhất là vào ban đêm. Hầu hết phụ nữ bị rối loạn giấc ngủ vào một thời điểm trong thai kỳ.
Nguyên nhân
Trong thai kỳ, phụ nữ thường có những thay đổi về nội tiết tố, sinh lý, chuyển hóa và tâm lý. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng lo lắng, rối loạn tâm trạng, giấc ngủ, nhịp thở và vận động dẫn đến mất ngủ. Khi mang thai, hormone progesterone tăng đột biến gây ra ngủ ngày, tăng đi tiểu, buồn nôn và nôn mửa, trào ngược dạ dày thực quản, đau lưng... Những triệu chứng này đều làm mẹ bầu dễ trằn trọc vào ban đêm.
Tuần thứ 28-42, thai nhi ngày càng lớn có thể dẫn đến chứng ợ nóng, đau nhức cơ, đi tiểu nhiều và tăng thêm áp lực lên cơ hoành. Nồng độ estrogen cũng tăng lên ở giai đoạn này có thể gây viêm mũi (nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi) và ngưng thở khi ngủ (các cơ ở phía sau cổ họng giãn ra và làm gián đoạn quá trình thở). Tất cả những điều này khiến phụ nữ mang thai bị rối loạn giấc ngủ.
Thiếu ngủ khi mang thai làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật. Đây là một biến chứng gây ra huyết áp cao và lượng protein cao trong nước tiểu, dẫn đến tổn thương thận và bệnh tiểu đường thai kỳ. Thai phụ cần điều trị sớm vì mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai và sinh nở. Theo nghiên cứu của Đại học Y King Edward (Mỹ), phụ nữ mang thai ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có nhiều khả năng kéo dài thời gian chuyển dạ, dẫn đến nguy cơ phải sinh mổ cao gấp 4,5 lần bình thường.

Phụ nữ mang thai từ tuần thứ 28-42 sẽ bị mất ngủ nhiều hơn do nồng độ estrogen tăng lên. Ảnh: Freepik.
Biện pháp cải thiện
Hầu hết bác sĩ khuyên mẹ bầu không dùng thuốc ngủ trong thai kỳ vì nguy cơ dị tật bẩm sinh thai nhi và các biến chứng sức khỏe. Do đó, khi mang thai, các mẹ có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên cải thiện mất ngủ.
Yoga: Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ khi mang thai thì cân nhắc tham gia một lớp yoga trước khi sinh. Theo nghiên cứu của Cao đẳng Thần kinh cột sống Canada, phụ nữ luyện tập yoga thường xuyên trong thai kỳ làm giảm số lần thức giấc vào ban đêm và dễ ngủ trở lại mỗi lần thức giấc. Mẹ bầu có thể bắt đầu tập yoga từ tuần 13-26 để mang đến nhiều lợi ích.
Tập thể dục: Thai phụ tham gia hoạt động thể chất thường xuyên cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ, giảm các triệu chứng lo lắng, trầm cảm. Tập thể dục thường xuyên hữu ích trong điều trị chứng mất ngủ ở tuần thứ 28-42 của thai kỳ.
Massage: Liệu pháp này tác động tích cực đến căng thẳng, tâm trạng và giấc ngủ ở phụ nữ mang thai. Thường xuyên sử dụng massage và các thủ thuật thư giãn, mẹ bầu có giấc ngủ ngon hơn, ít bị gián đoạn hơn.
Hầu hết các biện pháp trên đều an toàn cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, nếu có lo lắng về bất kỳ điều gì, mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ. Phụ nữ mang thai thường khó tránh khỏi chứng mất ngủ. Để hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn, bạn có thể áp dụng các mẹo như giữ phòng ngủ mát mẻ và hơi tối; không xem ti vi, sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ; ngủ và thức dậy cùng một giờ hàng ngày; giảm ngủ ngày; nằm nghiêng về bên trái và kê một chiếc gối giữa hai chân để tránh đau hông hoặc thắt lưng.
Bạn cũng nên tránh thức ăn cay hoặc chiên, uống nhiều nước (đồ uống, canh) vào buổi tối; tránh caffeine (trà, cà phê...) và thuốc lá; tập thể dục 30 phút mỗi ngày ít nhất 4-6 trước khi đi ngủ để có giấc ngủ trọn vẹn.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)