Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương hệ thống tiền đình, làm cho quá trình dẫn truyền và xử lý thông tin của hệ thống này bị gián đoạn hoặc sai lệch. Triệu chứng gồm mất thăng bằng, loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, thay đổi nhịp tim, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy.
BS.CKI Hoàng Tuyết Sương, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết rối loạn tiền đình phổ biến, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, giới tính. Ở phụ nữ, bệnh có thể khởi phát hoặc tăng nặng do một số nguyên nhân hoặc yếu tố dưới đây.
Thay đổi nội tiết tố theo chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai và sau sinh hoặc giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh tác động lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ, kể cả hệ thống tiền đình. Biến động nội tiết tố nữ làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng mất ngủ, bồn chồn, hoa mắt, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn hoặc nôn ói.
Nồng độ estrogen, progesterone thay đổi có khả năng ảnh hưởng đến tai trong - một bộ phận rất quan trọng trong việc nhận cảm và điều hòa cảm giác về thăng bằng, chức năng xoang và thính giác. Hormone estrogen giảm còn gây chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) phổ biến ở phụ nữ trung niên và mãn kinh.
Thời kỳ mang thai và sau sinh phụ nữ có thể bị ốm nghén, tăng cân nhanh, tụt huyết áp, thiếu máu thiếu sắt, giảm lưu lượng máu lên não, thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, lo âu, trầm cảm, mất ngủ... Đây đều là tác nhân dẫn đến rối loạn tiền đình.
Chất lượng giấc ngủ kém. Nhiều phụ nữ giai đoạn mang thai và sau sinh hoặc trong thời kỳ mãn kinh gặp vấn đề về giấc ngủ như trằn trọc khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc, thức giấc sớm và không ngủ lại được... Tình trạng này khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, dễ xuất hiện triệu chứng rối loạn tiền đình.
Căng thẳng kích thích cơ thể sản xuất ra các hormone như adrenaline hoặc cortisol, có thể ảnh hưởng đến tai trong, nơi chịu trách nhiệm về sự cân bằng và định hướng không gian. Căng thẳng còn ảnh hưởng bất lợi đến tuần hoàn máu não, dẫn đến chóng mặt.
Các tình trạng bệnh lý thần kinh, tim mạch, huyết học, nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch, bệnh về tai... cũng dễ tác động đến chức năng của hệ thống tiền đình, dẫn đến chóng mặt, mất thăng bằng, ngã.
Bác sĩ Tuyết Sương cho biết một số yếu tố khác có thể kích thích triệu chứng rối loạn tiền đình ở phụ nữ như say tàu xe, say sóng, sốc nhiệt, mất cân bằng điện giải, lão hóa tự nhiên, sử dụng chất kích thích hoặc thực phẩm chứa caffeine...
Người bệnh rối loạn tiền đình không tự ý dùng thuốc hoặc điều trị bằng các phương pháp thiếu khoa học, dễ khiến bệnh tăng nặng hoặc biến chứng. Người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc tai mũi họng để ngăn bệnh tái phát. Sử dụng thuốc theo toa kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng góp phần cải thiện vận động của cơ thể, duy trì hệ thống tiền đình cân bằng.
Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc tiếng ồn, môi trường ô nhiễm. Không ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, điện thoại. Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, kiểm soát căng thẳng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, trung bình 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm và ngủ trước 23h để đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt.
Người bệnh rối loạn tiền đình có thể bổ sung các hoạt chất từ thiên nhiên như blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) nhằm tăng cường lưu thông máu và oxy lên não. Từ đó, người bệnh có thể cải thiện giấc ngủ, giảm đau đầu, tinh thần minh mẫn, hỗ trợ giảm các triệu chứng chóng mặt và hoa mắt.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |