Bệnh Parkinson là một trong những bệnh về thần kinh, thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, khiến đi lại khó khăn... Ngoài các triệu chứng điển hình này, bệnh Parkinson có thể gây khó nuốt, té ngã, rối loạn chức năng tự chủ (đi vệ sinh, ăn uống...). Dưới đây là các nguyên nhân gây bệnh Parkinson.
Thiếu dopamine
Dopamine trong não là một chất dẫn truyền thần kinh, có chức năng gửi tín hiệu đến các tế bào thần kinh. Dopamine kích thích một số vùng não liên quan đến chuyển động (gọi chung là hạch nền) nhằm điều chỉnh kiểm soát cơ bắp giúp cơ thể tạo ra các chuyển động vật lý trơn tru. Thiếu hụt dopamine sẽ mắc bệnh Parkinson với các triệu chứng run khi nghỉ ngơi, cứng cơ, mất thăng bằng và giảm toàn bộ vận động thể chất.
Thoái hóa thần kinh
Bệnh Parkinson còn do sự mất mát các tế bào thần kinh trong chất đen, một vùng của não giữa (phần thấp nhất của não, nối với tủy sống). Chất đen tạo ra chất dopamine, kích thích các tế bào khắp hạch nền. Thông thường, những thay đổi trong chất đen có thể nhìn thấy được khi kiểm tra hình ảnh não. Điều trị không giúp làm chậm quá trình thoái hóa hoặc sửa chữa tế bào trong chất đen của não.
Sa sút trí tuệ thể Lewy
Bệnh Parkinson có liên quan đến sự tích tụ các thể vùi nội bào (một loại protein gọi là alpha-synuclein) bên trong tế bào thần kinh, được gọi là thể Lewy. Trong bệnh Parkinson, thể Lewy được tìm thấy ở vùng chất đen và các vùng khác của não gồm hạch hạnh nhân và locus coeruleus (liên quan đến cảm xúc), nhân raphe (liên quan đến giấc ngủ) và dây thần kinh khứu giác (kiểm soát mùi). Các chức năng được kiểm soát bởi các vùng này bị suy yếu và kèm các triệu chứng run và cứng cơ.
Thể Lewy cũng hiện diện trong não của người mắc Alzheimer, các dạng sa sút trí tuệ khác, được coi là dấu hiệu của sự thoái hóa thần kinh. Hiện tại không có phương pháp điều trị hoặc phương pháp loại bỏ thể Lewy.
Tình trạng viêm
Tình trạng viêm do nhiễm trùng hoặc tiếp xúc chất độc, làm gia tăng của các tế bào miễn dịch là gốc rễ của các tổn thương như thiếu hụt dopamine, thoái hóa thần kinh, tích tụ thể Lewy. Quá trình oxy hóa, một phản ứng hóa học trong cơ thể gây thiệt hại đối với ty thể, vùng sản xuất năng lượng của tế bào người cũng có thể gây bệnh Parkinson.
Người mắc bệnh nhiễm trùng hiếm gặp và bất thường, viêm não, u não, chấn thương đầu làm tổn thương não hay đột quỵ cũng có nhiều khả năng mắc bệnh Parkinson.
Di truyền học
Theo nghiên cứu của Đại học Y Athens (Hy Lạp), hầu hết người mắc bệnh Parkinson không có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Có các gene khiếm khuyết làm cho một số người mắc bệnh: α-synuclein (SNCA), leucine lặp lại kinase 2 giàu leucine (LRRK2), DJ-1 (Daisuke-Junko-1), glucocerebrosidase axit beta (GBA), tau protein liên quan đến vi ống (MAPT)... Nhìn chung, một hoặc nhiều gene này được tìm thấy trong khoảng 5-15% gia đình hoặc cá nhân mắc bệnh Parkinson. Hiện không có phương pháp điều trị nào được thiết lập tương ứng với các khiếm khuyết di truyền cụ thể.
Thói quen, lối sống
Uống rượu, uống nhiều caffeine (trà, cà phê...) và thiếu hoạt động thể chất đều có khả năng dẫn đến mắc bệnh Parkinson. Béo phì, nhất là vòng eo lớn làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Dùng thuốc chống loạn thần có thể làm giảm tác dụng của dopamine, cũng có thể dẫn đến mắc bệnh Parkinson.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)