Parkinson không được xếp vào nhóm bệnh gây chết người nhưng các biến chứng ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày và tuổi thọ của người bệnh. Khi một người phát hiện mắc bệnh Parkinson, họ có nhiều câu hỏi cần tìm lời giải, trong đó phổ biến là 10 câu hỏi dưới đây.
Bệnh Parkinson là gì?
Parkinson là một bệnh thoái hóa mạn tính và tiến triển của hệ thần kinh trung ương, liên quan đến của các tế bào thần kinh quan trọng trong não. Các dấu hiệu vận động chính của bệnh Parkinson bao gồm run, chậm chạp, cứng và bất ổn tư thế. Bệnh Parkinson thường diễn ra ở độ tuổi trung bình từ 60 tuổi trở lên. Song cũng có một số người mắc bệnh được chẩn đoán trước 50 tuổi.
Parkinson được chia làm 3 cấp độ nhẹ, trung bình và nặng. Ở giai đoạn bệnh diễn tiến nặng, người bệnh thường gặp khó khăn trong việc đi lại; có thể phải ngồi trên xe lăn hoặc trên giường; không thể sống một mình và cần có người trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh cũng có thể gặp ảo giác hoặc hoang tưởng.

Parkinson thường xảy ra ở người lớn tuổi, khiến bệnh nhân khó đi lại. Ảnh: Shutterstock
Nguyên nhân nào gây ra bệnh Parkinson?
Đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh Parkinson nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường dẫn đến căn bệnh này. Ngoài ra, lão hóa cũng là một yếu tố quan trọng gây ra khoảng 1-2% nguy cơ mắc bệnh nói chung và 1-4% ở những người trên 60 tuổi. Về yếu tố di truyền, phần lớn các trường hợp Parkinson không di truyền trực tiếp, các trường hợp do di truyền trực tiếp thường có nguyên nhân từ đột biến gen nhưng hiếm gặp.
Các dấu hiệu vận động của Parkinson là gì?
Các dấu hiệu vận động của Parkinson thường dùng để chẩn đoán bệnh bao gồm:
Run khi nghỉ ngơi: trong giai đoạn đầu mắc Parkinson, khoảng 70% người bệnh có triệu chứng run nhẹ tay hoặc chân ở một bên của cơ thể hoặc ít phổ biến hơn ở hàm, mặt. Triệu chứng khởi phát điển hình là run ở một ngón tay. Các rung động bao gồm chuyển động lắc hoặc dao động và thường xuất hiện khi thư giãn, nghỉ ngơi (run khi nghỉ ngơi).
Thân người bị ảnh hưởng: là tình trạng một phần cơ thể bị run lên và không thể thực hiện được hành động. Triệu chứng điển hình là ngón tay hoặc tay bị run khi gập vào lòng hoặc khi cánh tay thả lỏng. Triệu chứng run sẽ chấm dứt khi người bệnh thực hiện một hành động. Người bệnh càng căng thẳng hoặc phấn khích thì triệu chứng càng nghiêm trọng.
Cử động chậm bất thường: thường có biểu hiệu là vận động chậm chạp bất thường; giảm biểu cảm trên khuôn mặt; khó thực hiện các việc như cài cúc áo, cắt thức ăn hoặc đánh răng; đi bộ với bước ngắn và xáo trộn; gặp khó khăn trong lời nói và trở nên ít nói hơn.
Cứng nhắc: tứ chi, cổ, vai và thân trở nên cứng nhắc, không linh hoạt; cơ bắp thường căng ra khi di chuyển và sau đó giãn ra khi nghỉ ngơi; giảm phạm vi chuyển động; có xu hướng vung tay khi đi bộ; cảm giác khó chịu hoặc đau đớn.

Cứng cơ, run tay là những biểu hiện của Parkinson. Ảnh: Tiểu Chi
Bệnh Parkinson được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán Parkinson, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử thần kinh cẩn thận và thực hiện một cuộc kiểm tra. Mặc dù không có xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn nhưng công nghệ hình ảnh học như: CT, MRI, SPECT, PET- CT sọ não có thể được sử dụng để xác nhận chẩn đoán bệnh giai đoạn đầu bằng cách loại trừ các bệnh có triệu chứng giống Parkinson như đột quỵ hoặc não úng thủy.
Rất khó để xác định Parkinson giai đoạn đầu, một phần do có nhiều bệnh lý thần kinh có triệu chứng tương tự với các dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson. Vì thế, tốt nhất nếu xuất hiện các triệu chứng giống như Parkinson, bạn nên đến ngay bệnh viện để thăm khám chuyên khoa.
Căng thẳng hàng ngày có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng Parkinson không?
Căng thẳng như chấn thương, mất ngủ, bệnh tật, cãi vã... có thể khiến cho các triệu chứng của Parkinson trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, ở trạng thái căng thẳng người bệnh lại thực hiện tốt hơn các hoạt động của mình chẳng hạn như trong đám cưới hoặc trước mặt bác sĩ. Và điều này hiện vẫn chưa được giải thích.
Parkinson có thể chữa khỏi không?
Đến nay, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị khỏi bệnh Parkinson mà chỉ mới có các phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng thêm. Bệnh Parkinson ở mỗi người có thể có những diễn tiến khác nhau nên điều trị cần cá thể hóa. Sử dụng thuốc điều trị là phổ biến nhất còn phẫu thuật thì ít phổ biến hơn cùng với đó là các bài tập trị liệu.
Người bị Parkinson có thể làm gì để tránh bị ngã?
Té ngã là biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất của bệnh Parkinson vì có thể dẫn đến gãy xương hoặc chấn thương đầu. Các yếu tố góp phần vào nguy cơ té ngã bao gồm suy giảm thăng bằng, tư thế khom lưng, cứng và chậm chạp, dáng đi đơ, thiếu nhận thức về nguy cơ bị ngã, mệt mỏi và huyết áp thấp.
Để giảm nguy cơ té ngã, người bệnh nên được tập vật lý trị liệu, điều chỉnh đơn thuốc; sử dụng các dụng cụ hỗ trợ việc đi lại như gậy; tránh các hoạt động leo núi, xuống cầu thang, không nên lái xe và hạn chế tham gia giao thông một mình; nên đặt bàn chân ở tư thế vững chãi trong khi đứng và bước đi.
Những loại thuốc nào có thể điều trị Parkinson?
Có nhiều loại thuốc hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng Parkinson. Sáu loại hoặc nhóm thuốc thường dùng nhất bao gồm: levodopa, chất chủ vận dopamine, chất ức chế COMT (catechol-O-methyl transferase), chất ức chế MAO - B, thuốc kháng cholinergic và các loại thuốc khác bao gồm Amantadine. Trong đó, Levodopa được coi là hiệu quả nhất.
Bác sĩ khuyến cáo các loại thuốc điều trị Parkinson có thể gây các tác dụng phụ như buồn nôn, buồn ngủ, huyết áp thấp, ảo giác, dao động vận động (rối loạn vận động) và các hành vi cưỡng chế. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý tăng, giảm liều, ngưng thuốc, đổi thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ. Điều trị bằng thuốc cũng phát huy tác dụng tốt hơn khi người bệnh kết hợp tập thể dục và có chế độ dinh dưỡng cũng như giấc ngủ tốt.
Người bị Parkinson có cần ăn kiêng gì không?
Người bệnh Parkinson cần hạn chế nạp các thực phẩm giàu protein trong chế độ ăn uống, bởi vì protein sẽ làm mất hoạt tính của thuốc điều trị. Người bệnh cần ăn nhiều trái cây tươi và rau quả để cung cấp chất xơ; uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên. Đối với những người gặp khó khăn khi nuốt, chế độ ăn kiêng nên sử dụng thức ăn dạng mềm, lỏng như cháo, súp và bổ sung thêm chất dinh dưỡng.
Những người mắc Parkinson bị giảm cân liên tục mà không rõ nguyên nhân, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám chuyên khoa.
Người Parkinson có được uống rượu bia không?
Người bệnh Parkinson có thể thỉnh thoảng uống cocktail hoặc một ly bia hoặc rượu vang nhưng không nên uống thường xuyên hoặc uống quá nhiều.
BS.CKII Thân Thị Minh Trung
Phó trưởng khoa Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM