Di truyền
Nếu trong gia đình có thành viên mắc viêm khớp dạng thấp (RA), bạn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Theo Hiệp hội Viêm khớp Dạng thấp của Mỹ, thế hệ con cái của bệnh nhân mắc RA có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người bình thường. Tuy nhiên, dù viêm khớp dạng thấp có yếu tố di truyền giữa các thế hệ trong một gia đình, không chắc chắn hoàn toàn bạn sẽ mắc tình trạng này.
Nhiều người mang gen viêm khớp dạng thấp nhưng không bao giờ phát triển tình trạng bệnh và không phải tất cả các bệnh nhân mắc RA đều do yếu tố di truyền.
Tuổi tác
Về cơ bản, ai cũng có thể mắc viêm khớp dạng thấp, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), nguy cơ mắc tăng dần theo độ tuổi và phổ biến nhất là từ 60 tuổi trở đi. Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu ở độ tuổi từ 30 đến 60 ở nữ. Rất hiếm trường hợp nam giới dưới 45 tuổi bị chuẩn đoán mắc tình trạng này.
Vệ sinh răng miệng kém
Những người vệ sinh răng miệng kém hoặc mắc bệnh nha chu thường có nguy cơ mắc RA cao hơn và ngược lại. Theo các chuyên gia, viêm khớp dạng thấp không chỉ gây viêm ở khớp mà còn ảnh hưởng đến hàm, khiến bạn khó để vệ sinh răng miệng hiệu quả, từ đó có thể gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và loét miệng, làm cạn kiệt nước bọt và dẫn đến khả năng sâu răng cao hơn.
Một số nghiên cứu quy mô nhỏ thực hiện năm 2018 và 2020 cho biết có một mối liên hệ giữa hệ vệ sinh vật đường miệng và khả năng phát triển viêm khớp dạng thấp. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như di truyền, tuổi tác, thì các bệnh về răng miệng có thể là yếu tố khiến viêm khớp dạng thấp khởi phát.
Hút thuốc
Đây là yếu tố nguy cơ có thể ngăn ngừa. Theo một số nghiên cứu khoa học, hút thuốc không chỉ gia tăng nguy cơ mắc RA mà còn khiến các triệu chứng và tiến triển bệnh trở nên nặng hơn.
Những người hút thuốc có thể mắc RA sớm hơn 10 năm nếu như họ có sẵn các yếu tố về mặt di truyền. Ngoài ra các hoá chất trong nicotin có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch, dẫn đến viêm khớp dạng thấp.
Căng thẳng
Với những người đã có sẵn các yếu tố nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp, tình trạng căng thẳng kéo dài cũng có thể khiến bệnh khởi phát. Căng thẳng mạn tính hoặc căng thẳng nặng có thể khiến các gen RA được kích hoạt ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Ốm đau hoặc nhiễm trùng
Cơ thể bị ốm có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch, gửi thông điệp tấn công các mô khỏe mạnh trong khớp (thường xảy ra đối với những người có nguy cơ về mặt di truyền). Tuy nhiên, tình trạng này không thường xuyên xảy ra. Thông thường, nguyên nhân khởi phát viêm khớp dạng thấp thường do virus như Virus Epstein-Barr (EBV), Parvovirus B19, và HIV.
Độc tố môi trường
Một số người bị phơi nhiễm silica có thể gia tăng nguy cơ mắc RA. Tình trạng này thường gặp ở những người làm việc trong môi trường công nghiệp như hầm mỏ, mó đá, nhà máy thép nơi có silica vô cơ (hay có trong đất) được tìm thấy với số lượng lớn.
Ngoài ra, một nghiên cứu công bố năm 2020 cho biết, những tiếp xúc trong môi trường làm việc có thể gia tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp, đặc biệt, nếu người lao động có hút thuốc.
Nội tiết tố
Theo các chuyên gia thống kê, cứ 10 phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp mới có một nam giới được chuẩn đoán tình trạng này. Nguyên nhân nằm ở nội tiết tố nữ. Sự thay đổi nội tiết tố thường xuyên trong những giai đoạn như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, cho con bú, tiền mãn kinh... có thể gây ra các phản ứng viêm, kích hoạt viêm khớp dạng thấp.
Thùy Minh (Theo Health)