Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ, chứng ngưng thở khi ngủ làm rối loạn giấc ngủ và giảm nồng độ oxy trong máu, góp phần gây ra các vấn đề nghiêm trọng, tăng nguy cơ mắc các bệnh về trí nhớ. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhất là người có bệnh mạn tính, với một số yếu tố nguy cơ dưới đây.
Béo phì
Đây là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Trong khi ngủ, phần cơ vùng hầu họng được nghỉ ngơi, lưỡi và các mô mềm vùng hầu họng giãn ra gây nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Ở người thừa cân, béo phì, lượng mỡ được phân bố nhiều xung quanh khu vực đường hô hấp trên, dẫn tới hẹp đường thở.
Amidan lớn
Người có amidan lớn hoặc các đường dẫn khí nhỏ hơn dễ gặp các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ. Amidan lớn cũng là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ ngưng thở khi ngủ. Hầu hết người bị ngưng thở khi ngủ đều có các triệu chứng như ngáy to và buồn ngủ vào ban ngày. Ngưng thở khi ngủ gây suy giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy tai nạn, giảm hiệu suất công việc.
Hàm lệch
Một số tình trạng hoặc yếu tố di truyền làm mất cân bằng trong cấu trúc khuôn mặt khiến hàm lệch, lưỡi lùi xa hơn trong miệng. Ví dụ, hàm dưới ngắn hơn hàm trên hoặc vòm miệng có hình dạng khác thường và dễ sụp xuống hơn trong khi ngủ góp phần gây ra ngưng thở khi ngủ.
Tiền sử gia đình
Nếu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn di truyền trong gia đình, bạn có nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Đường thở và các đặc điểm trên khuôn mặt, sọ được di truyền có thể ảnh hưởng đến tình trạng này.
Huyết áp cao
Theo Tổ chức Nghiên cứu giấc ngủ Mỹ, người bị tăng huyết áp có nhiều khả năng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hơn. Huyết áp cao cũng có thể là kết quả của tình trạng này không được điều trị. Khi không thở đúng cách, nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống. Não sẽ gửi tín hiệu adrenaline để báo cho cơ thể thắt chặt các mạch máu nhằm tăng lưu lượng oxy đến tim và não. Sự gia tăng adrenaline này có thể tiếp tục khi thở bình thường, tạo tiền đề cho chứng tăng huyết áp.
Bệnh tiểu đường
Theo nhiên cứu của Đại học Birmingham (Anh), người mắc bệnh tiểu đường type 2 có khả năng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao hơn người không mắc bệnh này. Tình trạng kháng insulin ở người tiểu đường có thể làm tăng nguy gặp tình trạng này. Chứng viêm do ngưng thở cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Người bệnh tiểu đường và ngưng thở khi ngủ có thể khó điều trị hơn nếu không giải quyết chứng ngưng thở khi ngủ trước.
Suy tim
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung ương đều có thể gặp ở người bệnh suy tim. Theo nghiên cứu của Đại học Y Juntendo (Nhật Bản), suy tim gây giữ muối và nước, chất lỏng dư thừa này có thể đi vào phổi vào ban đêm và dẫn đến chứng ngưng thở do tắc nghẽn. Suy tim cũng liên quan đến các vấn đề hệ thống kiểm soát hô hấp, gây ra chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.
Tổn thương não
Các tình trạng như nhiễm trùng não, khối u não, đột quỵ, tình trạng cột sống hoặc các vấn đề khác làm tổn thương thân não. Trong khi, đây là vùng não kiểm soát hơi thở, làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ trung ương.
Nghẹt mũi mạn tính
Người bị nghẹt mũi dai dẳng vào ban đêm có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, có thể là do đường thở bị thu hẹp.
Hen suyễn
Theo nghiên cứu của Đại học Liên bang Bahia (Brazil), bệnh nhân hen suyễn có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ hơn. Ngược lại, ngưng thở khi ngủ có thể làm cho bệnh hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.
Hút thuốc và uống rượu
Hút thuốc có thể dẫn đến viêm đường hô hấp trên, ảnh hưởng đến việc thở và cách não giao tiếp với các cơ kiểm soát hơi thở. Uống rượu có thể làm tăng sự thư giãn của các cơ và mô trong miệng, cổ họng, làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Giới tính và tuổi tác
Nam giới và người cao tuổi có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn. Điều này có thể liên quan đến sự phân bố chất béo và hormone. Đàn ông thường có cổ lớn hơn và khi già đi, mô mỡ có thể tăng lên ở cổ và xung quanh lưỡi gây hẹp đường thở.
Mai Cat (Theo Everyday Health)