Ngưng thở khi ngủ là tình trạng đường thở bị gián đoạn vào ban đêm. Người bệnh bị ngưng thở nhiều lần trong khi ngủ. Mỗi lần thức giấc, nhịp thở, huyết áp và nhịp tim có xu hướng tăng lên, tim bơm máu không hiệu quả. Quá trình này làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch. Những người gặp tình trạng này thường có xu hướng ngủ không ngon, mệt mỏi vào ban ngày, khó tập trung hoặc có thể gặp các vấn đề về tâm trạng như trầm cảm.
Dưới đây là 8 cách giúp người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể tăng cường năng lượng vào ngày hôm sau.
Nằm nghiêng khi ngủ: Những người bị ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ có thể nằm nghiêng khi ngủ. Tư thế này giúp đường thở thông thoáng hơn. Bạn có thể ngăn mình nằm ngửa trong lúc ngủ bằng cách kê một chiếc gối tựa vào lưng.
Giảm cân: Với những người thừa cân, chất béo dư thừa gây cản trở đường thở. Giảm cân hay giữ cân nặng ở mức ổn định giúp giảm chứng ngưng thở khi ngủ.
Tìm phương pháp điều trị chứng mất ngủ: Theo Tổ chức giấc ngủ Mỹ, ngưng thở khi ngủ liên quan đến chứng mất ngủ. Mọi người nên tìm các giải pháp hỗ trợ để tránh mất ngủ như hạn chế caffein, tránh sử dụng các thiết bị điện tử vào buổi tối. Nếu bạn trằn trọc, hãy ra khỏi giường và thực hiện một hoạt động giúp tĩnh tâm trước khi cố gắng ngủ lại. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, người bệnh nên đi khám để đánh giá về các tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ăn theo chế độ tăng cường năng lượng: Một trong những cách giúp bạn tăng cường năng lượng là ăn uống lành mạnh, chọn thực phẩm sạch. Mọi người có thể ưu tiên ăn nhiều trái cây, rau quả tươi, đồng thời cắt bỏ những thực phẩm gây hao phí năng lượng như kẹo, nước ngọt có ga, đồ uống nhiều đường khác.
Tránh uống rượu: Một ly rượu hoặc một chai bia có thể giúp bạn ngủ ngon vào ban đêm. Nhưng các chất kích thích này lại làm chứng ngưng thở khi ngủ trầm trọng hơn. Rượu ảnh hưởng đến trương lực cơ ở đường hô hấp trên, khiến vòm miệng mềm ra. Vì vậy, nó có nhiều khả năng bị đóng lại và xẹp xuống.
Giữ nước: Người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mất nước vào ban đêm. Họ có xu hướng ngủ mở miệng để thở. Trạng thái này làm mất chất lỏng. Để giảm mất nước và giúp tăng cường năng lượng, bạn nên uống nước đều đặn, liên tục trong ngày.
Di chuyển: Tập thể dục khoảng 30 phút giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Một số bài yoga, thể dục nhịp điệu có thể giảm bớt mệt mỏi kéo dài do tình trạng này gây ra.
Bỏ thuốc lá: Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người hút thuốc có xu hướng ngủ ít hơn, mất nhiều thời gian hơn để đi vào giấc ngủ và có chất lượng giấc ngủ kém hơn so với những người không hút thuốc. Điều này có thể do nicotin làm gián đoạn chu kỳ đánh thức giấc ngủ. Ngoài ra, bản thân khói thuốc gây kích ứng đường hô hấp trên, làm cho chứng ngáy và ngưng thở khi chuyển biến xấu đi. Mọi người nên bỏ thuốc để ngăn chặn tổn thương phổi. Việc này cũng sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Anh Chi (Theo EveryDay Health)