Nguy cơ ung thư do lối sống
Theo bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tỷ lệ mắc ung thư đường tiêu hóa ngày càng tăng. Ung thư đường tiêu hóa có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, thường gặp nhất là ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện bệnh có xu hướng trẻ hóa (mắc bệnh ở độ tuổi dưới 50). Khả năng chữa khỏi bệnh có thể lên đến 90% nếu được phát hiện sớm (tức là ở giai đoạn bệnh chỉ mới khởi phát).
Theo thống kê của Globocan, trong năm 2020, ung thư dạ dày có tỷ lệ tử vong cao thứ 3 tại Việt Nam với 14.615 trường hợp, chỉ xếp sau ung thư gan và ung thư phổi. Số ca mắc mới ở cả hai giới là 17.906 chiếm 9,8%, đứng sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú. Trong khi đó, ung thư đại trực tràng phổ biến thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú với hơn 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này.
Đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân của bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. "Cần phân biệt rõ yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, nghĩa là không phải ai có yếu tố nguy cơ thì chắc chắn sẽ mắc bệnh; và không có yếu tố nguy cơ thì sẽ không bị bệnh. Mà nên hiểu theo ý nghĩa rằng người có yếu tố nguy cơ sẽ có khả năng mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không có yếu tố nguy cơ", bác sĩ Nghi giải thích.
Bác sĩ Nghi cũng chia sẻ thêm, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phần nhiều có liên quan đến lối sống. Chính vì vậy, chúng ta có thể chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ này bằng cách thay đổi lối sống. Chẳng hạn như ăn uống quá nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, chế độ ăn không cân bằng giữa chất đạm và chất xơ (rau, củ, quả), ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ cay nóng, thực phẩm ủ muối dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Mặt khác, những người hút thuốc lá, thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ bị căn bệnh này.
"Khi có những yếu tố nguy cơ này, cộng thêm công việc bận rộn, căng thẳng sẽ tăng khả năng mắc bệnh ung thư", bác sĩ Nghi nhận định.
Giảm nguy cơ mắc bệnh
Khi nền kinh tế phát triển, bữa ăn của người dân có nhiều đạm động vật (thịt, cá, hải sản..) hơn. Lối sống tiện nghi hiện đại khiến chúng ta ít vận động thể lực: ít đi xe đạp, ít đi thang bộ, mà thay vào đó là đi xe máy, xe hơi, thang máy. Để phòng bệnh ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ Nghi khuyên mọi người nên có chế độ ăn cân bằng, đầy đủ các nhóm chất. Những thực phẩm chua, cay, nóng... nên hạn chế dùng lúc bụng đói vì đường tiêu hóa không chịu được nồng độ axit quá cao, gây tổn thương niêm mạc của thực quản, dạ dày.
Một số bệnh nhân khi điều trị ung thư thường nghe thông tin truyền miệng là không ăn thịt, không ăn đường. Điều này không chính xác bởi vì những chất này giúp tạo năng lượng để nuôi cơ thể, hỗ trợ thể chất, giúp cho quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.
Ngoài việc lựa chọn thực phẩm thì cách ăn cũng rất quan trọng. Ăn uống phải điều độ, đúng giờ, không bỏ bữa, không nhịn đói. Những thói quen có hại cần tránh như: không nên ăn quá no, không nên ăn quá trễ, không nằm ngay sau khi ăn, không thực hiện vận động thể lực mạnh ngay sau khi ăn. Đặc biệt là không nên sử dụng điện thoại hay xem tivi trong lúc ăn, cũng không nên vừa ăn vừa làm việc, hay làm việc ngay sau khi vừa ăn xong, vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần cũng rất quan trọng. Bác sĩ Nghi khuyên với nhóm có nguy cơ trung bình và chưa có triệu chứng có thể bắt đầu thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa ở độ tuổi 45-50; những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình, bệnh lý tiêu hóa nên tầm soát sớm hơn và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Nghi, hiện nay, hệ thống trang thiết bị nội soi hiện đại đã giúp cho việc tầm soát ung thư đường tiêu hóa đạt hiệu quả cao hơn, giúp phát hiện các tổn thương rất nhỏ khi vừa mới có sự biến đổi tế bào bất thường (hay còn được gọi là tổn thương "tiền ung thư") mà mắt thường hoặc thiết bị cũ khó nhìn thấy. Điều quan trọng nhất chính là chúng ta cần đánh giá đúng và đủ các yếu tố nguy cơ để giúp thực hiện tầm soát bệnh ung thư đường tiêu hóa vào đúng thời điểm, đúng phương pháp tại các cơ sở chuyên khoa với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại.
"Tầm soát giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, kết hợp với các phương pháp điều trị hiện đại giúp nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đường tiêu hóa. Dù vậy cũng đừng nên lơ là chủ quan, mọi người cần chủ động thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng như chú trọng vận động thể lực đều đặn để hạn chế các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư đường tiêu hóa", bác sĩ Nghi nói thêm.
Ngọc An
Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, được dẫn dắt bởi Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) và bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), tư vấn, hội chẩn quốc tế, điều trị theo những phác đồ, phương pháp hiện đại của thế giới ngay tại Hà Nội và TP HCM.
Hệ thống phòng điều trị trong ngày với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như: ghế truyền hóa chất cao cấp, tủ cấp cứu di động... Đặc biệt, việc lấy máu xét nghiệm, cấp phát thuốc và phục vụ bữa ăn đều được thực hiện tại khoa. Để đặt lịch khám, tầm soát ung thư tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ tại đây.