Ngoài nội soi còn có phương pháp nào phát hiện ung thư đường tiêu hóa (như xét nghiệm máu, chụp MRI, CT...) để phát hiện bệnh sớm không thưa bác sĩ? (Kim Khanh, TP HCM)
Trả lời:
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, cách đây khoảng 15-20 năm, người được thực hiện nội soi đường tiêu hóa thường không tiêm thuốc gây tê, tỉnh táo hoàn toàn nên sẽ rất khó chịu. Hiện nay, phương pháp nội soi tầm soát ung thư rất hiện đại, bệnh nhân được tiêm thuốc để ngủ một giấc. Quá trình soi diễn ra khoảng 15-20 phút hoặc tùy vào đánh giá tổn thương, người được nội soi khoảng 15-30 phút sau sẽ tỉnh dậy, do đó, cuộc nội soi sẽ diễn ra nhẹ nhàng.
Đối với tầm soát ung thư, nếu gia đình thuộc thế hệ một (ba, mẹ, anh, chị, em) mắc ung thư, đặc biệt là ung thư tiêu hóa, trực tràng ở độ tuổi trẻ (dưới 40-50) thì tất cả những người thân trong gia đình được khuyến cáo nội soi tầm soát ung thư đường tiêu hóa trước độ tuổi người mắc bệnh ung thư 10 năm. Giả sử trong gia đình có người con trai phát hiện ung thư ở độ tuổi 50 thì những người em nên tầm soát ở độ tuổi 40.
Tế bào ung thư dạ dày, đại tràng không có tính chất di truyền. Song ngoài nhóm yếu tố nguy cơ gây ung thư thiên về lối sống, ăn uống, cân nặng, vận động thì tình trạng viêm tái đi tái lại của đường tiêu hóa như viêm đại tràng, đa polyp gia đình có nghĩa là một người trong gia đình mắc bệnh thì những người còn lại trong gia đình có thể cũng nguy cơ. Hiện nay có những test về gene di truyền, nếu nghi ngờ mắc bệnh, bạn cũng có thể để thực hiện.
Hiện nay, ở những quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á, nhất là quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao có thực hiện tầm soát cộng đồng, tức người ở độ tuổi khoảng 40-50 sẽ được bác sĩ thực hiện xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính tiếp tục thực hiện nội soi. Bác sĩ sẽ nội soi để kiểm tra trong ruột có u hoặc polyp gây chảy máu cho ra kết quả xét nghiệm dương tính. Tuy nhiên, nếu test âm tính cũng không đồng nghĩa không có tổn thương ác tính trong đường ruột.
Siêu âm không có vai trò trong tầm soát ung thư đại trực tràng và đường tiêu hóa, chỉ trừ trường hợp u lớn, xâm lấn ra ổ bụng mới có thể phát hiện. Cộng hưởng từ MRI cũng không có vai trò tầm soát nhưng hỗ trợ đánh giá giai đoạn trước khi quyết định kế hoạch điều trị. Đặc biệt là đối với ung thư trực tràng, hậu môn, MRI sẽ cho bác sĩ biết khối u xâm lấn đến đâu (lớp mỡ, lớp cơ...) để quyết định mổ liền hay nên hóa xạ trị trước khoảng vài tuần, sau đó mới mổ để đảm bảo lấy hết khối u.
Chụp CT đại tràng ảo là phương pháp dùng máy CT và bơm dung dịch vào đại tràng để chụp CT. Đa phần tính chất của đại tràng bên phải thường phẳng, trong khi đó, đa phần đại tràng bên trái tổn thương thường chồi và sùi. Chụp CT đại tràng ảo rất khó phát hiện tổn thương dưới 10 mm, dễ bỏ sót tổn thương dạng phẳng ở đại tràng bên phải. Nếu để tổn thương trên một cm mới phát hiện, vai trò tầm soát sẽ không còn cao. Nếu chụp CT thấy những tổn thương nghi ngờ thì bác sĩ vẫn phải thực hiện nội soi. Vậy nên, CT đại tràng ảo sau thời gian áp dụng, so sánh hiệu quả tầm soát so với mức chi phí bỏ ra, tỷ lệ bỏ sót tổn thương nên chưa đáp ứng được.
Khi các bạn đi kiểm tra sức khỏe, một số nơi sẽ cho bạn kiểm tra dấu ấn ung thư. Những khối u sẽ tiết ra những chất gợi ý ung thư, tuy nhiên, những chất này sẽ không có giá trị chẩn đoán chỉ trừ khi ở gan. Sau nhiều năm nghiên cứu, người ta thấy rằng nếu có những chất tiết ra, chỉ số AFP trên 200, khối u ác tính bắt thuốc rất điển hình thì bác sĩ sẽ chẩn đoán ung thư gan mà không cần sinh thiết.
Tuy nhiên, với ung thư đường tiêu hóa, vai trò của chấn đoán ung thư sẽ không được dùng để chẩn đoán xác định. Có những u đã di căn ra hạch vẫn không tiết ra những dấu ấn ung thư. Khi bạn đã được chẩn đoán ung thư, bác sĩ vẫn thực hiện dấu ấn ung thư để theo dõi đáp ứng trong quá trình điều trị, chứ không dùng để chẩn đoán, tầm soát ung thư đường tiêu hóa.
TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chia sẻ thêm, theo khuyến cáo hiện nay, những dấu ấn ung thư không còn giá trị để tầm soát, một số phương pháp tầm soát ung thư dạ dày là tầm soát một bước và hai bước. Tầm soát một bước là nội soi, chẩn đoán và điều trị, còn tầm soát hai bước khi có nghi ngờ ung thư thì cũng cần nội soi, tức là thực hiện thêm bước thứ hai. Ngoài nội soi và chụp hình đối quang kép, còn có một số phương pháp khác nữa. Hiện nay, thế giới có có tầm soát nội soi viên nang được cải tiến tốt hơn, tuy nhiên, người được thực hiện nội soi vẫn phải trải qua bước soi để xác định các sang thương.
Ngọc An