Các triệu chứng đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng... có thể xảy ra ở hầu hết mọi người. Thay đổi lối sống, sinh hoạt khoa học góp phần kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng đường tiêu hóa có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe cần được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số dấu hiệu dưới đây không nên bỏ qua.
Đau bụng thường cảnh báo các vấn đề đường tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, tiêu chảy... Tuy nhiên, đau bụng với cơn đau tăng dần có thể do nhiều nguyên nhân khác nguy hiểm khác gồm nhồi máu cơ tim, phình tách động mạch chủ... Lúc này người bệnh cần khám và điều trị sớm.
Đau bụng kèm tiêu chảy, táo bón hoặc phân lỏng đặc xen kẽ có thể là triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Người bệnh sỏi mật, các chất lắng đọng làm tắc nghẽn ống dẫn mật cũng gây ra đau bụng dữ dội.
Một số bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội như thủng dạ dày, viêm tụy cấp, tắc ruột, viêm ruột thừa, viêm túi thừa... Người mắc một số bệnh không liên quan đến tiêu hóa cũng có thể bị đau quặn bụng như lạc nội mạc tử cung, sỏi thận...
Chướng bụng thường do đầy hơi, khó tiêu. Đây là các triệu chứng phổ biến của hội chứng ruột kích thích hoặc không dung nạp lactose. Đôi khi triệu chứng này báo hiệu tình trạng cổ trướng do sỏi mật, viêm tụy...
Nếu chướng bụng đi kèm vàng da, vàng mắt, ngứa có thể do xơ gan (tích tụ chất lỏng trong bụng do bệnh gan mạn tính), gây suy giảm chức năng tổng hợp protein của gan hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dịch trong máu thấm vào ổ bụng.
Nôn ra máu có thể do chảy máu trong đường tiêu hóa. Theo bác sĩ Khanh, nôn ra máu là tình trạng nguy hiểm cần cấp cứu kịp thời. Một số nguyên nhân thường gặp gây nôn ra máu như viêm loét trên niêm mạc dạ dày tá tràng, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hoặc dạ dày ở bệnh nhân xơ gan...
Đau quanh rốn chủ yếu liên quan đến khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón, ngộ độc thức ăn, bệnh Crohn (gây viêm ruột non hay tiểu tràng và đau quanh rốn), bán tắc ruột... Nếu người bệnh đau quanh rốn kèm ăn mất ngon, buồn nôn, sốt, nên đi khám vì có thể nguyên nhân do viêm dạ dày ruột, sỏi mật...
Đau vùng bụng trên thường do chứng khó tiêu, ợ nóng, song cơn đau bụng trên đột ngột có thể là dấu hiệu của viêm loét dạ dày tá tràng, viêm cấp tính niêm mạc dạ dày tá tràng, viêm tụy cấp. Viêm túi mật, sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ ung thư (dạ dày, tuyến tụy, gan, túi mật, ống mật) cũng dẫn đến đau bụng trên dữ dội.
Đi ngoài ra máu màu đỏ tươi thường do trĩ hay gặp sau táo bón hoặc phải rặn nhiều. Người trên 45 tuổi nếu thường xuyên đi ngoài ra máu nên tầm soát để loại trừ nguyên thư do ung thư đại trực tràng hoặc polyp chảy máu. Đại tiện phân có máu đen như bã cà phê còn có thể do chảy máu từ dạ dày hoặc ruột non. Nguyên nhân khác là viêm túi thừa, viêm loét đại tràng chảy máu...
Luôn cảm thấy no dù chỉ ăn một lượng nhỏ hoặc không ăn gì thường gặp do thói quen ăn uống, chứng khó tiêu hoặc táo bón. Tình trạng nặng hơn có thể do loét dạ dày, chứng khó tiêu chức năng, hội chứng ruột kích thích... Người bệnh nên đi khám nếu điều chỉnh lối sống vẫn không cải thiện thường xuyên cảm thấy no.
Táo bón, tiêu chảy liên tục. Tiêu chảy do một số vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm, hội chứng ruột kích thích. Nếu tình trạng này xảy ra liên tục, lặp lại có thể nguyên nhân xuất phát từ nhiễm trùng, viêm túi thừa, ung thư ruột già... Chế độ ăn ít chất xơ, uống ít nước, ngồi nhiều ít vận động dễ dẫn đến táo bón. Người trên 45-50 tuổi bị táo bón kéo dài không do các yếu tố trên, cần kiểm tra để loại bỏ nguyên nhân do ung thư đại trực tràng.
Hầu hết triệu chứng đường tiêu hóa có thể cải thiện khi điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống. Nếu các triệu chứng ngày một nặng hơn hoặc không cải thiện 7-10 ngày, người bệnh nên đến các cơ sở có chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn, chỉ định xét nghiệm tìm nguyên nhân, điều trị hiệu quả.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |