Sỏi mật là do dư thừa cholesterol và bilirubin trong mật, có quá ít muối mật để phân hủy cholesterol. Sỏi mật còn do túi mật hoạt động bất thường khiến dịch mật không thể thoát ra khỏi túi mật. Túi mật là cơ quan nằm ở bên phải bụng, phía dưới gan, có hình quả lê, chứa dịch mật do gan tiết ra. Thông thường sỏi mật là một bệnh lành tính không nguy hiểm cho đến khi nó gây ra biến chứng.
Theo Very Well Health, hơn 80% người bị sỏi mật thường sẽ không có triệu chứng (sỏi im lặng). Sỏi im lặng không ảnh hưởng đến chức năng túi mật, gan hoặc tuyến tụy và không cần điều trị.
Các triệu chứng sỏi mật thường xảy ra đột ngột vào ban đêm, sau các bữa ăn nhiều chất béo. Các triệu chứng điển hình là: đau dữ dội, liên tục ở vùng bụng trên, kéo dài từ 30 phút đến vài giờ. Bạn còn có thể bị đau giữa bả vai hoặc dưới vai phải; đau ở giữa bụng, buồn nôn và nôn. Một số biểu hiện không điển hình khác như chướng bụng, không dung nạp thức ăn béo, ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu...
Bạn nên đi khám nếu cảm thấy cơn đau bụng không biến mất sau vài giờ và nghiêm trọng, đổ mồ hôi, ớn lạnh, sốt nhẹ, vàng da hoặc vàng mắt, phân màu đất sét, nước tiểu màu trà. Đây có thể là cảnh báo cho các biến chứng như tắc nghẽn ống tụy, ống mật chủ, ống gan hoặc thậm chí nhiễm trùng trong túi mật, gan hoặc tuyến tụy. Nhiều người thường không có triệu chứng sỏi mật cho đến khi gặp các biến chứng.
Nhiễm trùng ống mật: Nếu sỏi mật làm tắc nghẽn ống dẫn mật trong một thời gian dài, tổn thương nghiêm trọng sẽ gây nhiễm trùng túi mật, có thể tử vong. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở túi mật, gan hoặc tuyến tụy.
Viêm túi mật: Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn các ống dẫn mật. Mật bị mắc kẹt trong các ống dẫn đến tình trạng viêm nhiễm túi mật hoặc các ống dẫn. Trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu mật bị mắc kẹt trong ống gan sẽ gây viêm gan.
Viêm tụy: Sỏi mật cũng có thể làm tắc ống tụy, ống dẫn các enzym tiêu hóa từ tuyến tụy. Khi ống tụy bị tắc nghẽn, các enzym tiêu hóa bị giữ lại và có thể xảy ra tình trạng viêm đau.
Ung thư túi mật: Mặc dù ung thư túi mật rất hiếm gặp nhưng khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn nếu bạn từng bị sỏi mật.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây sỏi mật như: từ 40 tuổi trở lên, phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới, mức chất béo trung tính (triglyceride) cao, cholesterol "tốt" (HDL) thấp, dùng thuốc giảm cholesterol, bệnh tiểu đường, bệnh Crohn (viêm ruột), bệnh gan, nhiễm trùng ống mật, thiếu máu... Tình trạng béo phì, giảm cân nhanh và ăn kiêng cũng góp phần hình thành sỏi mật.
Béo phì: Khi chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao, nguy cơ mắc sỏi mật càng tăng. Theo nghiên cứu đăng trên Harvard Health, phụ nữ có chỉ số BMI cao có nguy cơ bị sỏi mật cao gần gấp ba lần so với phụ nữ có chỉ số BMI trong mức bình thường (khoảng 18,5-25). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị béo phì có lượng cholesterol trong mật cao hơn, có thể gây ra sỏi mật. Người bị béo phì cũng có thể có túi mật lớn hoạt động không tốt.
Giảm cân, ăn kiêng: Những người giảm nhiều cân nhanh chóng có nguy cơ bị sỏi mật cao hơn. Mặt khác, ăn kiêng có thể gây ra sự thay đổi cân bằng muối mật và cholesterol trong túi mật. Mức cholesterol tăng lên và lượng muối mật giảm có thể làm giảm các cơn co thắt túi mật. Nếu túi mật thường xuyên không co bóp đủ để thải hết mật thì có thể gây hình thành sỏi mật. Chế độ ăn kiêng rất ít calo có thể không chứa đủ chất béo để giúp túi mật co bóp. Một bữa ăn chứa khoảng 10 g chất béo là cần thiết để túi mật co bóp bình thường.
Nghiên cứu ở Thụy Điển với hơn 8.360 người, đăng trên tạp chí Nature cho thấy, những người ăn kiêng rất ít calo có thể tăng nguy cơ phát triển sỏi mật phải nhập viện.
Ngoài ra, các yếu tố lối sống khác có thể làm tăng khả năng phát triển sỏi mật như: chế độ ăn uống nhiều chất béo, nhiều cholesterol và ít chất xơ; lười tập thể dục; nhịn ăn làm chậm chuyển động của túi mật, khiến cholesterol tích tụ.
Kim Uyên
(Theo Very Well Health)