PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền (Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết ca bệnh rất khó, có sỏi mật số lượng nhiều và vị trí phức tạp, hiếm gặp từ trước đến nay với sỏi đúc khuôn lèn chặt toàn bộ 8 nhánh đường mật. Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã hút gần 1,2 lít dịch mật đen đặc, tán sỏi ken đặc đường mật, để cứu sống người bệnh.
Ông Nam, 51 tuổi, sống tại Hưng Yên, bị sỏi mật từ năm 1994 và trải qua 4 cuộc phẫu thuật lấy sỏi nhưng chưa triệt để. Tiền sử phẫu thuật nhiều khiến thể trạng bệnh nhân suy kiệt, nhiều bệnh viện từ chối tiếp tục phẫu thuật và chỉ cho thuốc uống. Thời gian dài chữa đông tây y, ông thấy da ngày càng vàng và sạm đen, mắt vàng, sụt cân, đi ngoài phân trắng, người mệt nhiều.
Bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội đầu tháng 4/2022. Qua chụp hưởng từ (MRI), Phó giáo sư Xuân Hiền nhận thấy sỏi đã đúc thành khuôn, ken đặc gần như toàn bộ 8 nhánh đường mật trong và ngoài gan. Viên lớn nhất kích thước 5x3,2 cm chẹn đường mật gan trái. Dịch mật ứ trệ, khiến nồng độ bilirubin tăng cao trong máu, gây ra hiện tượng vàng da, vàng mắt và phân nhạt màu ở người bệnh.
Sỏi tích tụ quá lâu và quá nhiều ở cả ống gan phải, trái và ống mật chủ đã làm xuất hiện xơ gan lách to, nếu chậm trễ điều trị cho bệnh nhân có thể dẫn đến xơ gan mất bù, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng.
"Bác sĩ vẫn thường gặp các trường hợp bệnh nhân bị sỏi đúc khuôn đường mật. Tuy nhiên, sỏi đúc khuôn hết 8 nhánh đường mật thì rất hiếm gặp. Y văn chưa thống kê tỷ lệ các trường hợp này mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn thăm khám, điều trị của bác sĩ", Phó giáo sư Hiền đánh giá.
Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ nhận thấy với tình trạng và tiền sử phẫu thuật của bệnh nhân, nếu tiếp tục phẫu thuật lấy sỏi sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ tái phát cao vì chỉ lấy được sỏi ở phần thấp ống mật chủ, còn sỏi ở các nhánh mật trong gan khó tiếp cận. Điều trị nội khoa thuốc chỉ là giải pháp tạm thời, không cải thiện được nhiều, khiến người bệnh sống lệ thuộc vào thuốc.
Các bác sĩ quyết định sử dụng kỹ thuật tán và lấy sỏi mật qua da bằng laser. Đây là phương pháp can thiệp tối thiểu, có lợi thế len lỏi sâu trong các nhánh đường mật nhỏ hẹp, gấp khúc để bắt và tán sỏi, kỳ vọng sẽ lấy được 90% sỏi bằng phương pháp này.
Ông Nam được đặt dẫn lưu hút gần 1,2 lít dịch đen đặc do đã ứ đọng trong mật nhiều năm. Sau đó, khi thể trạng người bệnh ổn định, bác sĩ dùng thiết bị soi và đầu tán laser đưa qua đường dẫn lưu tiến hành tán sỏi cho bệnh nhân.
Với lượng sỏi quá nhiều, kích thước lớn và chất sỏi khó tán, ê-kip bác sĩ phải chia thành 3 lần tán sỏi, mỗi lần 1,5 giờ, cách nhau 3-4 ngày và tán từng phần một để bệnh nhân có thời gian hồi phục. Kết quả, các bác sĩ lấy hết 95% sỏi đường mật trong gan, khơi thông các nhánh đường mật, ống gan trái - phải, ống gan chung và ống mật chủ; dịch mật lưu thông tốt.
Sau 5 ngày theo dõi, bệnh nhân sức khỏe ổn định, đỡ vàng da, ăn uống ngon miệng, ngủ tốt, tinh thần lạc quan trở lại và được xuất viện.
Nguy cơ sỏi mật cần lưu ý
Theo Phó giáo sư Xuân Hiền, sỏi mật là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc chiếm 10-15% dân số Việt Nam. Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử giun chui đường mật; ít vận động, thừa cân, mắc bệnh tiểu đường; có chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol hoặc quá kiêng khem.
Khoảng 80% người bệnh nhập viện điều trị khi có triệu chứng như sốt, ớn lạnh, vàng da, vàng mắt, đi ngoài phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu... Lúc này sỏi đã làm tắc đường dẫn mật gây biến chứng viêm, chức năng gan và tụy bị ảnh hưởng. Do đó, điều trị lúc này không chỉ là lấy sỏi mà còn phải giải quyết tình trạng nhiễm trùng, khôi phục chức năng gan, tụy.
Những năm gần đây, laser được ứng dụng rộng rãi vào tán sỏi mật. Phương pháp xâm lấn tối thiểu, cho phép lấy được tối đa sỏi, người bệnh bảo toàn được túi mật sau điều trị, hồi phục nhanh, giữ được các chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên, kỹ thuật tương đối khó vì cấu tạo đường mật nhỏ hẹp và gấp khúc, để luồn được thiết bị vào và tiếp cận sỏi đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm. Sóng laser khi chệch hướng có thể làm bỏng đường mật. Để tăng hiệu quả tán sỏi, kỹ thuật nên được thực hiện trong phòng mổ Hybrid vô khuẩn, tích hợp các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), máy nội soi và máy tán laser công suất lớn, hỗ trợ cho bác sĩ trong quá trình thao tác.
Hoài Phạm
Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh